Khó xử lý việc người dân nuôi tôm tự phát?
Sau khi Báo Đại Đoàn Kết phản ánh về tình trạng nuôi tôm tự phát, chính quyền phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã buộc các hộ dân ký cam kết không tiếp tục nuôi thả tôm, tháo dỡ các phương tiện trên ao tôm… Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn không thể xử lý dứt điểm vì liên quan đến sinh kế của người dân.
Cam kết chỉ để...đối phó
Theo quan sát của phóng viên, thời điểm hiện tại, việc nuôi tôm tự phát trên địa bàn phường Hải Thanh đã tạm lắng xuống, không còn rầm rộ như trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, do tôm mất giá, không thể tiêu thụ vì dịch Covid-19. Hiện, toàn phường có 73 hộ vẫn duy trì ao nuôi trong các khu dân cư và tập trung nhiều ở các thôn như Thanh Đông, Thanh Xuyên, Thượng Hải.
Đặc điểm mô hình nuôi tôm ở đây là do không nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản nên các hộ chủ yếu tự xây bể, đào ao nuôi trong sân, đất ở của gia đình mình và xả thải trực tiếp ra môi trường, trong đó có khu nuôi tôm công nghiệp trái phép, quy mô hàng nghìn mét vuông của hợp tác xã Liên Minh tại thôn Thượng Hải. Việc nuôi tôm tự phát tràn lan kéo theo những hệ lụy về môi trường và an toàn đê chắn sóng của tuyến đê biển Hải Thanh.
Anh Nguyễn Văn Ninh - một người dân địa phương cho biết: “Hầu hết các hộ nuôi tôm ở đây đều xả thẳng nước thau rửa ao ra biển. Điều này đã khiến biển Hải Thanh bị ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm trở lại đây. Nguy hiểm hơn, trong quá trình lấy nước vào ao nuôi, người dân đã tự ý đục xuyên qua tường đê chắn sóng, khiến thân đê bị yếu đi trông thấy. Sau khi có phản ánh của báo chí, chính quyền đã khắc phục được các điểm vi phạm đê nhưng các ao nuôi vẫn còn giữ nguyên”.
Được biết, dưới sức ép của chính quyền địa phương, hiện nay bà con đã ký cam kết không tiếp tục nuôi thả tôm trong năm 2021 và tháo dỡ các thiết bị trong ao nuôi, chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là cam kết mang tính đối phó. Thực chất, người dân tại Hải Thanh không tiếp tục nuôi thả tôm trong năm nay chỉ vì tôm bị rớt giá, không có đầu ra vì dịch Covid-19 hoành hành. Nếu sang năm 2022, tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng, thị trường lưu thông trở lại, người dẫn sẽ lại tiến hành nuôi thả trở lại.
Chính quyền bất lực?
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề nêu trên, ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch UBND phường Hải Thanh cho biết: Sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền, người dân đã thôi nuôi thả tôm giống năm 2021. Đã có 73 hộ dân vi phạm và bị xử phạt hành chính, với mức xử phạt 2-3 triệu đồng mỗi hộ, đồng thời yêu cầu tháo dỡ những vi phạm hành lang đê trước ngày 15/8/2021. Đồng thời ký cam kết không tiếp tục nuôi thả tôm và tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm trên đê chắn sóng cũng như thiết bị trên các ao nuôi, chuyển đổi nghề nghiệp.
Cũng theo ông Chung, việc nuôi tôm tự phát ồ ạt cũng đã kéo theo những vi phạm về quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, vi phạm an toàn hành lang đê biển, gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền cũng đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xử lý nhưng không thể dứt điểm.
“Lý do chính vẫn là do đây là nguồn sinh kế duy nhất của người dân. Nuôi tôm lại là nghề có đầu tư lớn, dân đã đầu tư quá nhiều tiền vào công việc này nên không thể nói dừng là dừng ngay được. Mặc dù khuyến khích bà con chuyển đổi nghề nghiệp nhưng biết chuyển sang làm nghề gì khi không có đất nông nghiệp. Chúng tôi cũng đang xin ý kiến cấp trên chỉ đạo về vấn đề này” - ông Chung nói.