Giải bài toán mở cửa nền kinh tế
Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 hiện vẫn ở mức cao, song TP HCM cũng đang chuẩn bị mở cửa nền kinh tế sau thời gian dài “đóng băng”.
PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế và ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM về những định hướng phát triển kinh tế thành phố đi kèm với các giải pháp an sinh xã hội thời gian tới.
Mở cửa từng bước và phải an toàn
PV: Số ca nhiễm Covid-19 mới và số ca tử vong hàng ngày ghi nhận tại TP HCM tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, vậy mở cửa nền kinh tế trong thời điểm này liệu có hợp lý không, thưa ông?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Điều kiện mở cửa nền kinh tế phải dựa trên việc kiểm soát được dịch bệnh hay không kiểm soát được. Ngành Y tế cần xác định đâu là đỉnh dịch, chứ con số lây nhiễm mới cứ “bật lên bật xuống” như hiện nay thì chưa ổn. Tôi nghĩ, thành phố có thể mở cửa nền kinh tế khi số ca nhiễm mới hàng ngày phải ở mức dưới 3.000 ca và ổn định trong vòng 1 – 2 tuần. Số ca tử vong cũng tương tự.
Chủ trương của Chính phủ trong thời gian qua là vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch. Tuy nhiên, theo tôi hiện nay chúng ta ưu tiên chống dịch trước. Kinh tế có thể xây dựng sau, tính mạng con người vẫn là tài sản vô giá.
Ông Trần Hoàng Ngân: Tôi được biết hiện thành phố đang tăng tốc tiêm vaccine cho người dân. Đến 15/9, ước tính tỷ lệ người dân được tiêm vaccine ở mức trên 95%. Hệ thống điều trị tiếp tục được mở rộng và tăng cường trang thiết bị, phác đồ điều trị hiệu quả hơn, hơn 200.000 túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động hình thành để chăm sóc sức khỏe cho F0, nhân lực chống dịch của Trung ương và địa phương chi viện cho thành phố rất nhiều,... Tất cả điều kiện cần và đủ nêu trên hướng đến mục tiêu kéo giảm số ca nhiễm mới, ca nặng, ca tử vong. Hy vọng thành phố sẽ kiểm soát được dịch bệnh.
Vậy đặt giả thiết TP HCM kiểm soát tốt dịch bệnh thì cần mở cửa nền kinh tế như thế nào? Mở cửa theo ngành nghề, từng phần hay toàn phần? Lãnh đạo thành phố có khẳng định, mở cửa phải an toàn, an toàn mới mở cửa.
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Nếu thành phố kiểm soát được dịch bệnh, theo tôi có 2 vấn đề cần quan tâm. Đó là mở cửa với thành phần nào và mở cửa như thế nào? Cụ thể, người dân phải được nới giãn theo từng vùng, cho phép người dân đi lại như thế nào? Có thể cho vùng xanh đi chợ, đi làm,... khi thấy hiệu quả thì tính đến chuyện cho shipper, xe ôm, taxi, xe buýt hoạt động lại.
DN hoạt động trở lại cũng phải xét xem cho DN nào sản xuất trước. Hiện nay có 3 ngành sản xuất chính, đó là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Trong lĩnh vực ưu tiên thì DN nào trước, DN nào sau. Nên xem xét cụ thể từng DN đóng góp tỷ trọng cho GDP. DN nào đóng góp nhiều và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động tốt nhất sẽ hoạt động trước. Bên cạnh đó, cũng phải đảm bảo người dân, người lao động được tiêm vaccine đại trà, đạt khoảng 90% cả 2 liều.
Ông Trần Hoàng Ngân: Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã nói, không thể quét sạch hết F0, chúng ta phải mở dần, phải sống trong điều kiện bình thường mới. Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cũng cho rằng, căn cứ vào tình hình dịch tễ để quyết định nới lỏng hay thắt chặt. Khi mở cửa thì phải an toàn, an toàn mới mở cửa. Hay nói cách khác là an toàn đến đâu mở cửa đến đó. Thành phố tính chuyện nới giãn cách, nhưng nới từ từ. Có thể giai đoạn đầu thí điểm ở phạm vi hẹp, ở quận – huyện kiểm soát dịch bệnh tốt, vùng xanh.
Hiện nay thành phố đang xin ý kiến Hiệp hội DN, ý kiến chuyên gia có thông tin kịp thời để người dân và DN có công tác chuẩn bị. Quan trọng hơn nhất là truyền thông để người dân tập cách sống trong môi trường có dịch. DN cũng phải sản xuất trong điều kiện có dịch.
Hỗ trợ sản xuất, chăm lo an sinh xã hội
PV: Hầu như tất cả các DN đều bị tổn thương rất nặng vì dịch bệnh Covid-19, vậy khi mở cửa nền kinh tế thành phố cần có gói hỗ gì để các chủ thể sản xuất kinh doanh vực dậy khôi phục sản xuất?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Thời gian qua DN bị ảnh hưởng nặng nề, sản xuất đình trệ, giờ phải dùng biện pháp hỗ trợ mạnh hơn là bơm tiền để họ vực dậy sản xuất. Nhưng bơm tiền như thế nào? Theo tôi, việc cần làm hiện nay là hình thành tổ hợp tín dụng làm việc theo cơ chế bảo lãnh tín dụng. Theo đó, có nhiều ngân hàng thương mại tham gia. Ngân hàng Nhà nước đứng ra tổ chức, sau đó giám sát chứ không tham gia. Tôi nghĩ, nên có gói hỗ trợ ít nhất 300.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay từ 3-5%/năm. Về hình thức cho vay thì nên áp dụng phương tín chấp chứ không phải thế chấp. Nên sớm triển khai gói này tạo “đòn bẩy” lớn để khôi phục sản xuất tốt nhất.
Ông Trần Hoàng Ngân: Điều mà DN mong đợi nhiều nhất, lớn nhất để an tâm trong điều kiện bình thường mới chính là nhanh kiểm soát được dịch bệnh và hỗ trợ người lao động được tiêm phủ vaccine Covid-19, nhất là tiêm mũi 2. Tuy nhiên, quan trọng nhất hiện nay là Nghị quyết 105 mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Vì vậy các bộ, ngành phải sớm cụ thể hóa nghị quyết này, cụ thể là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Gói hỗ trợ năm nay phải hơn nhiều lần gói hỗ trợ năm trước mới đủ vực dậy, khôi phục nền kinh tế vì tổn thương DN rất nặng.
Ngoài việc hỗ trợ vực dậy sản xuất, thành phố cần tiếp tục chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người dân thế nào?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: TP HCM có gói “hỗ trợ 1,5 triệu đồng” cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhưng tôi thấy, bấy nhiêu đó cũng như muối bỏ biển. Sắp tới thành phố nên hỗ trợ người dân nhiều hơn nữa trong điều kiện có thể.
Ông Trần Hoàng Ngân: TP HCM cần gói hỗ trợ thứ 2 với quy mô lớn hơn, nhiều hơn. Gói hỗ trợ thứ 2 này sẽ kéo dài thêm 2 tháng cùng với túi an sinh. Bên cạnh đó, chúng ta cần có chính sách quan tâm đến lực lượng tuyến đầu vì họ hy sinh rất nhiều về sức khỏe và tinh thần trong khi dịch bệnh bùng phát
Trân trọng cảm ơn các ông!