Bà Rịa-Vũng Tàu: 4 địa phương ‘vùng xanh’ sẵn sàng tái khởi động sản xuất kinh doanh

Hữu Vinh - Mạnh Thìn 13/09/2021 15:55

4 địa phương ‘vùng xanh’ gồm các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Côn Đảo của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ mở lại một số hoạt động sản xuất kinh doanh từ ngày 15/9. Đây là bước đi phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Biển bãi sau, TP Vũng Tàu dịp lễ 30/4 và 1/5 năm 2021 đón một lượng khách du lịch lớn.

Doanh nghiệp, người dân phấn khởi

Sau hai tháng dồn lực dập dịch, hôm qua (12/9), tỉnh này ban hành Công văn số 12538/UBND-VP cho phép một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở 4 huyện ‘vùng xanh’ là Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Côn Đảo. Việc được phép tổ chức các hoạt sản xuất kinh doanh là một nỗ lực rất lớn của chính quyền và nhân dân 4 địa phương ‘vùng xanh’ nói riêng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung.

Vui mừng, phấn khởi đó là tâm trạng chung của nhiều người dân, chủ doanh nghiệp (DN). Bà Hoàng Thị Lan, chủ một đại lý cung cấp vật liệu xây dựng ở thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức cho biết, đã nắm được thông tin về việc được hoạt động kinh doanh trở lại. “Chưa biết tình hình sau 15/9 sẽ thế nào nhưng trước mắt là vui vì được kinh doanh lại rồi chú ạ. Đóng cửa hai tháng nay nên rất mong ngóng ngày được bán lại”, bà Lan phấn khởi.

Ông N.P.P., giám đốc một DN mảng xây dựng công trình ở huyện Xuyên Mộc chia sẻ, không chỉ ông mà nhiều chủ DN khác đều rất phấn khởi khi hay tin được hoạt động lại. “Theo quy định thì chủ đầu tư, đơn vị thi công tổ chức triển khai thi công xây dựng phải đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19 tại các công trình. Công ty của tôi thì đã sẵn sàng mọi thứ rồi. Chỉ cần tỉnh cho phép hoạt động là chúng tôi sẽ triển khai tiếp những công trình xây dựng đang còn dang dở”, vị giám đốc hồ hởi.

Khách sạn Grand Hồ Tràm nằm trong khu phức hợp Hồ Tràm Strips là 1 trong 4 cơ sở kinh doanh du lịch được mở cửa đón khách nội địa với dịch vụ “khép kín”. (Ảnh: Grand Hồ Tràm).
Khách sạn Grand Hồ Tràm nằm trong khu phức hợp Hồ Tràm Strips là 1 trong 4 cơ sở kinh doanh du lịch được mở cửa đón khách nội địa với dịch vụ “khép kín”. (Ảnh: Grand Hồ Tràm).

Bà Vũ Thị Huỳnh Trang, TGĐ Công ty T2P Travel chia sẻ: “Là đơn vị lữ hành, nên chúng tôi phải liên tục cập nhật tình hình phòng chống dịch tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Khi hay tin một số cơ sở du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở Xuyên Mộc và Côn Đảo được mở lại thì ngay lập tức, ban giám đốc đã họp trực tuyến để triển khai công việc cho thời gian sắp tới. Chúng tôi đã có kế hoạch từ trước, giờ chỉ cần đợi chủ trương là làm liền”.

Mở cửa nhưng không chủ quan lơ là phòng dịch

Theo như công văn ban hành, khi mở lại các hoạt động, chủ DN, người dân phải thực hiện nhiều giải pháp nghiêm ngặt, vừa đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả vừa từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, về hoạt động sản xuất, các cơ sở sản xuất sử dụng 100% lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn của một huyện thì người lao động được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc (có giấy xác nhận của chủ DN).

Các cơ sở sản xuất có sử dụng lao động cả trong và ngoài địa bàn huyện đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” hơn 14 ngày thì chỉ người lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn huyện được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc. Chủ DN phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho người lao động định kỳ 5 ngày/lần.

Điều kiện bắt buộc là DN và cá nhân phải đăng ký lịch trình di chuyển của từng người lao động, thể hiện cụ thể cung đường di chuyển từ nơi cư trú đến nơi làm việc và ngược lại. Người lao động phải cam kết di chuyển theo đúng lịch trình đã đăng ký. DN và người lao động phải hoàn toàn chịu trách nhiệm thực hiện đúng cung đường và lịch trình di chuyển.

4 địa phương ‘vùng xanh’ sẽ mở lại siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các chợ truyền thống. Tùy tình hình thực tế từng địa bàn sẽ quy định cụ thể thời gian và phương thức hoạt động chợ phù hợp. Việc đi chợ áp dụng hình thức phát phiếu 2 lần/tuần, có chia khung giờ theo khu phố, thôn, ấp. Các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ kinh doanh mặt hàng thiết yếu phải thực hiện đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 trước khi hoạt động trở lại.

Các cơ sở dịch vụ nhà hàng, dịch vụ ăn, uống được hoạt động thông qua hình thức đặt hàng trực tuyến, không bán trực tiếp cho người dân, người giao hàng là nhân viên của các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Cửa hàng sau khi được thẩm định đủ điều kiện sẽ gắn bảng hộ kinh doanh “xanh” hoặc hộ kinh doanh an toàn.

Về hoạt động đầu tư xây dựng, các công trình xây dựng hoạt động trở lại với điều kiện sử dụng lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn của một huyện. Người lao động được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc. Chủ đầu tư, đơn vị thi công tổ chức triển khai thi công xây dựng phải đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19 tại các công trình; cho phép một số nhà ở dân dụng đang xây dựng dở dang có hàng rào che chắn xung quanh khu vực xây dựng tiếp tục triển khai (với số lượng công nhân dưới 10 người)…

Khu du lịch suối nước nóng Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cũng dự kiến mở cửa sau ngày 15/9. Ảnh: dulichso.
Khu du lịch suối nước nóng Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cũng dự kiến mở cửa sau ngày 15/9. Ảnh: dulichso.

Đáng chú ý, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép 4 cơ sở du lịch lớn tại các địa phương ‘vùng xanh’ gồm khu phức hợp Hồ Tràm Strips, khách sạn Melia Hồ Tràm, khu du lịch suối nước nóng Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) và khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo được phép thí điểm đón khách nội địa với dịch vụ “khép kín”.

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trước khi được thí điểm đón khách, ngành chức năng và huyện sẽ phải thẩm định, kiểm tra các phương án, cơ sở vật chất phòng chống dịch, sau đó trình UBND tỉnh phê duyệt.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ông Trịnh Hàng cho hay, về mặt cơ quan quản lý chuyên môn, Sở đã có những chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời để 4 doanh nghiệp nói trên sẵn sàng cho việc mở cửa hoạt động. “Sở yêu cầu 4 doanh nghiệp thí điểm thực hiện mở cửa cần phải đảm bảo nghiêm ngặt khâu phòng dịch với phương châm “mở cửa nhưng không được chủ quan lơ là”, thực hiện đầy đủ quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế. Sau khi các cơ sở này hoạt động, Sở sẽ phối hợp cùng địa phương đánh giá lại. Nếu hiệu quả sẽ nhân rộng theo từng bước phù hợp với điều kiện thực tế phòng, chống dịch tại Bà Rịa-Vũng Tàu” ông Hàng nói.

Trước đó, trong các cuộc họp liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh luôn nhấn mạnh đến việc thực hiện tốt “mục tiêu kép” phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh khẳng định “khi mở cửa thì phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cần có phương án cấp giấy đi đường thống nhất toàn tỉnh và phải triển khai ngay, sớm nhất có thể. Áp dụng phương châm “người lao động an toàn-lộ trình an toàn-DN an toàn”; kiểm soát được dịch, an toàn đến đâu thì mở cửa tương xứng đến đó kết hợp với tỷ lệ người dân được tiêm vaccine”.

Hữu Vinh - Mạnh Thìn