Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Có tạo được cú hích?

H.Vũ 14/09/2021 07:42

Sau khi Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được khai mạc, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày đã nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Theo đó, việc sửa đổi luật hiện hành nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Mục tiêu xây dựng Luật nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật…

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với các quy định về hợp đồng bảo hiểm và cho rằng hợp đồng bảo hiểm là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần rà soát và làm rõ các quy định về nguyên tắc thế quyền, hình thức hợp đồng bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, đơn phương chấm dứt hợp đồng, để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo luật, vừa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích các bên.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, luật cần rà soát kỹ các quy định có liên quan về vấn đề kinh doanh bảo hiểm. Đặc biệt, luật có nhiều quy định liên quan đến các luật khác cho nên cần đối chiếu với các luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật. Nhất là hoạt động của các tổ chức nước ngoài kinh doanh bảo hiểm cần các hình thức giải quyết tranh chấp sao cho phù hợp và đầy đủ.

Ông Mẫn cũng đề nghị, phải đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm hoạt động bảo hiểm vi mô và hướng tới đối tượng người có thu nhập thấp. Ví dụ hộ nghèo hiện là 3%, còn cận nghèo trên 6%, tỷ lệ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số còn cao. Do đó cần quan tâm hỗ trợ tới các đối tượng khó khăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: “Luật này liên quan đến 46 luật khác, từ hình sự, dân sự, cho đến an ninh mạng, 17 hiệp định thương mại tự do. Do đó cần rà soát cụ thể, tránh chung chung. Nếu cứ chung chung đưa ra Quốc hội sẽ có rất nhiều ý kiến cần giải trình, do đó cần giải quyết những vấn đề xung đột pháp luật và 17 hiệp định”.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Sau khi được ban hành, luật này có tạo ra cú hích hay không để thị trường phát triển là điều rất quan trọng”. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngoài những nội dung mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra thì cơ quan soạn thảo cần chú trọng ý kiến của các cơ quan: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời cũng phải tổng kết thực tiễn và áp dụng các khuyến nghị quốc tế; rà soát lại phạm vi điều chỉnh của dự án luật.

Về hợp đồng bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát kỹ lại hợp đồng dân sự; xem xét tính tương thích của hợp đồng, đồng thời tính toán đảm bảo công bằng giữa các bên.

H.Vũ