Phòng, chống dịch Covid-19: Kịch bản nào cho Hà Nội sau ngày 21/9?

Đức Trân - Phạm Sỹ 14/09/2021 08:25

Mục tiêu tiêm vaccine thần tốc cho toàn bộ người dân Hà Nội trên 18 tuổi và xét nghiệm diện rộng trước ngày 15/9 là rất khả thi. Cùng với số ca mắc có dấu hiệu giảm trong ngày gần đây, đã tới lúc cần tính đến những kịch bản sau ngày 21/9.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine

Số liệu từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến 12h ngày ngày 13/9, toàn thành phố tiêm được 129.912 mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và phương án 170 của UBND thành phố Hà Nội. Tổng số mũi tiêm đã thực hiện được là 4.610.338 mũi (4.221.978 mũi 1, 388.360 mũi 2), sử dụng 4.209.626/4.941.476 liều vaccine được cấp, đạt tiến độ 85,2%.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo tiến độ như hiện tại thì chỉ cần được Bộ Y tế phân bổ đủ vaccine Hà Nội sẽ hoàn thành việc tiêm phủ vaccine mũi 1 theo đúng kế hoạch chỉ trong 2 đến 3 ngày tới.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng thành phố đang làm rất tốt việc triển khai tiêm chủng vaccine và công tác xét nghiệm trên diện rộng trong thời gian vừa qua. Việc bao phủ vaccine sẽ có yếu tố rất quan trọng đối với công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Đối với công tác xét nghiệm, TS Hùng nhận định, số ca dương tính phát hiện được trong cộng đồng thông qua xét nghiệm diện rộng đang ở mức rất thấp, chủ yếu vẫn tập trung ở những vùng có nguy cơ cao như “vùng đỏ” và không có dấu hiệu lây lan ra “vùng xanh”, “vùng vàng”.

Ông Hùng cũng cho rằng, ý nghĩa quan trọng nhất về phòng, chống dịch thông qua việc xét nghiệm diện rộng là cần phải sớm có kết quả để phát hiện sớm và thực hiện cách ly, phòng ngừa các trường hợp F0. Bởi vậy, ngoài thực hiện lấy mẫu đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì công tác xét nghiệm, sớm có kết quả cũng cần được đẩy nhanh tốc độ sao cho có kết quả xét nghiệm trong vòng 24h sau khi lấy mẫu.

“Nếu chúng ta lấy mẫu xét nghiệm ồ ạt, nhưng sau 2 đến 3 ngày mới có kết quả thì cũng không còn nhiều tác dụng phòng, chống dịch, vì thời gian đó, có thể F0 đã tiếp xúc với nhiều người, tới nhiều địa điểm” - ông Hùng nói.

Trước thông tin một vài địa phương tiến hành xét nghiệm cho trẻ em dưới 12 tuổi, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nêu ý kiến, không nên lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ em dưới 12 tuổi và chỉ nên lấy ở những gia đình có trường hợp dương tính hoặc nghi ngờ. Đối với trẻ em nên thực hiện lấy mẫu tại nhà và không nên đưa ra tập trung công cộng vì khả năng kiểm soát phòng ngừa không bằng người lớn.

Chủ động các phương án

Tại buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội vừa được tổ chức, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã giao các sở, ngành và các địa phương trên địa bàn rà soát, nghiên cứu, xây dựng các phương án sau ngày 21/9 (ngày Hà Nội hoàn thành quyết định giãn cách xã hội).

Các quận huyện, các ngành phải chủ động xây dựng phương án để phục hồi kinh tế, dịch vụ, để đến khi TP có quyết định nới lỏng giãn cách xã hội thì bắt tay ngay vào triển khai, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nói với Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng kịch bản sau ngày 21/9 sẽ phụ thuộc vào kết quả đánh giá của thành phố Hà Nội về mức độ nguy cơ thông qua số liệu xét nghiệm.

“Hà Nội có thể áp dụng những biện pháp hành chính khác nhau, tùy theo mức độ nguy cơ. Nơi nào “vùng xanh” thì phải áp dụng theo mức độ “vùng xanh”, còn nơi nào “vùng vàng” áp dụng mức độ “vùng vàng”. Những “vùng xanh” tối thiểu phải áp dụng được theo Chỉ thị 19 để thuận lợi cho người dân sinh hoạt, đi vào sản xuất” - ông Hùng nhận định

Mặc dù vậy, ông Hùng cũng cho rằng, dù các ca mắc mới có dấu hiệu giảm, nhưng để hạn chế hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm đối với Hà Nội là rất khó, bởi lẽ dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường và mỗi đe dọa của Covid-19 đối với Hà Nội là luôn thường trực. Vì vậy giãn cách xã hội là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh nhưng quan trọng vẫn phải giám sát và tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm chỉnh về Thông điệp 5T của Bộ Y tế. Cùng với đó tăng cường giám sát người bệnh ho sốt. Bằng những biện pháp tuyên truyền để người dân khi có những biểu hiện sẽ tự thông báo cho y tế để kịp thời phát hiện, khoanh vùng ngăn chặn. Kiểm soát thật chặt những khu, điểm đang có ca bệnh. Cố gắng phong tỏa theo điểm để tránh tình trạng phong tỏa cả phường, cả phố gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Đức Trân - Phạm Sỹ