Mở đường cho du lịch

Miên Thảo 14/09/2021 10:00

Kể từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tới nay (tính từ ngày 27/4), du lịch Việt Nam được coi là “ngủ đông giữa mùa hè”. Các hoạt động du lịch, các trọng điểm du lịch đều rơi vào tình thế khó khăn. Doanh nghiệp du lịch, nhân viên du lịch chật vật. Hệ thống nhà hàng, khách sạn im lìm.

Vừa chống dịch vừa hồi phục, phát triển kinh tế - mục tiêu kép được đặt ra với toàn bộ nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, để làm được là vô cùng khó khăn trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Dịch bệnh Covid-19 với biến thể Delta lây lan nhanh, tới nay nhiều địa phương vẫn phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội cũng như áp dụng những biện pháp y tế phòng dịch. Tuy nhiên, “vùng xanh an toàn” cũng đang ngày một nhiều hơn và tiến độ bao phủ vaccine là rất tích cực. Trong bối cảnh đó, việc “mở cửa” dần các hoạt động kinh tế - xã hôi đã được đặt ra. Trong đó, ngành du lịch đã tính đến chuyện kích cầu để hồi phục du lịch cả nội địa lẫn quốc tế.

Đây là chủ trương đúng và cần thiết, căn cứ trên thực tế tình hình cũng như đón đầu khi dịch Covid-19 chính thức được kiểm soát trên phạm vi cả nước.

Mới đây, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch triển khai chính sách, biện pháp để kích cầu, phục hồi các hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022: Tạo điều kiện thuận lợi để đi du lịch đối với khách nội địa và khách quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vaccine, phù hợp với cách làm chung của thế giới. Trước mắt sẽ thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang), trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nếu xuyên biên giới chúng ta có “Hộ chiếu vaccine” thì với thị trường nội địa “Chứng minh nhân dân vaccine “ cũng hoàn toàn phù hợp, cùng với các yếu tố 5K.

Còn theo nhóm nghiên cứu Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) thì nếu áp dụng “Thẻ thông hành xanh” sẽ là góp phần quan trọng để nối lại các hoạt động kinh tế và du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp và lâu dài.

“Thẻ thông hành xanh” là một ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép truy cập và trích xuất nhanh thông tin của người dùng theo thời gian thực. Theo đề xuất của TAB, “Thẻ thông hành xanh Việt “ nên được cấp miễn phí cho tất cả công dân Việt Nam” và người nước ngoài đã đăng ký tạm trú ở Việt Nam. Thẻ này tích hợp thông tin định danh cá nhân; thông tin hộ chiếu (nếu có); thông tin y tế và phòng dịch Covid-19 bao gồm chứng nhận tiêm chủng vaccine, chứng nhận xét nghiệm Covid-19, chứng nhận phục hồi sau khi đã mắc Covid-19…

Đã đến lúc du lịch với tư cách là “ngành công nghiệp không khói” tiên phong mở đường. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu (từ đầu năm 2020), trong nhiều năm, du lịch Việt Nam luôn trong tốp dẫn đầu thế giới về điểm đến tuyệt vời nhất. Vì vậy, khi du lịch “ngủ đông”, “đóng băng” tổn hại kinh tế sẽ rất lớn, hàng trăm nghìn người hoạt động trong lĩnh vực này và còn nhiều hơn thế nữa những người có thu nhập nhờ du lịch gặp khó khăn.

Giới chuyên gia cho rằng, khi số người được tiêm vaccine nhiều lên, số người được điều trị khỏi Covid-19 nhiều lên như hiện nay thì không nên chậm trễ mở cửa nền kinh tế, trong đó có du lịch. Tuy nhiên, Covid-19 diễn biến khó lường, trong lúc thí điểm mở cửa du lịch tại một số địa phương thì cần hết sức chú ý đến những giải pháp y tế. “Hộ chiếu vaccine”, “Chứng minh nhân dân vaccine”, “Thẻ thông hành xanh” là điều kiện hàng đầu, nhưng vẫn rất cần thực hiện nghiêm túc các quy định y tế, để ngăn chặn triệt để sự bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.

Vì thế, bên cạnh quyết tâm mở cửa du lịch thì rất cần sự vào cuộc của ngành y tế, của chính quyền địa phương cũng như ý thức của người tham gia du lịch, người dân trong vùng khi thí điểm mở cửa đón khách.

Miên Thảo