Những hi sinh thầm lặng

LÊ ANH 14/09/2021 09:00

Mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh có thêm hàng trăm các tình nguyện viên, trong đó có F0 khỏi bệnh tham gia tuyến đầu chống dịch. Sự đóng góp của lực lượng tuyến đầu, nhất là các y bác sĩ trong hành trình phòng, chống dịch Covid-19 không thể kể siết.

Nhiều hi sinh…

Những ngày qua, Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Quân y 175 luôn trong tình trạng sẵn sàng điều trị và chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19. Theo Thượng tá Bùi Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Điều trị Covid-19 tại Bệnh viện cho biết, tất cả đội ngũ nhân viên y tế và y, bác sĩ của trung tâm được phân công “cắm trại” ở đơn vị để sẵn sàng nhận lệnh. Do đặc thù dịch Covid-19, tất cả mọi việc chăm sóc cho bệnh nhân đều không thể có hỗ trợ từ người nhà bệnh nhân để tránh lây nhiễm. Các y bác sĩ và điều dưỡng luôn phải thay nhau túc trực từ A tới Z. Họ trở thành những người thân duy nhất bên cạnh các bệnh nhân Covid-19 trong thời gian điều trị tại Bệnh viện.

“Để đảm bảo sức khỏe cho lực lượng y tế, Trung tâm Điều trị bệnh nhân nguy kịch được chia làm 3 ca: Ca sáng từ 7h đến 14h; Ca chiều từ 14h đến 21h và từ sau 21h là ca đêm, là ca vất vả nhất đối với lực lượng tuyến đầu của Trung tâm. Thế nhưng, vượt lên tất cả là sự tự hào, niềm vui của những y bác sĩ để đạt được mục tiêu cuối cùng là các bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện khỏe mạnh” - Thượng tá Bùi Đức Thành chia sẻ.

Để tiếp sức cho tuyến đầu TP HCM chống dịch, hàng ngàn các cán bộ, nhân viên y tế các địa phương đã xung phong vào TP HCM để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đến nay đã có gần 6.700 nhân viên y tế trên cả nước đến chi viện, tham gia tại các trung tâm hồi sức tích cực, các bệnh viện tầng 2, bệnh viện dã chiến và kể cả công tác lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng vaccine của TP HCM. Mỗi ngày các y bác sĩ, điều dưỡng tham gia vào hầu hết các công việc từ chăm sóc, điều trị và quản lý từ 140-150 người bệnh. Mỗi tua làm việc thường kéo dài từ 8-10 tiếng/ngày và cũng thường xuyên phải trực cấp cứu 12 giờ/ngày trong điều kiện mặc trang phục bảo hộ liên tục, với các rủi ro có thể gây mất nước và điện giải. Ngoài ra, một số bệnh viện sau khi rút nhân lực đã làm tăng thêm áp lực cho các nhân viên còn lại…

Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân chụp X-quang tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị số 5 TP HCM.

Động viên tuyến đầu chống dịch

Việc thiếu lực lượng y tế hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch đã được ngành y tế TP HCM phản ánh tại nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM. Ngay sau kỷ niệm quốc khánh 2/9, Sở Y tế TP HCM đã kêu gọi F0 khỏi bệnh tham gia phòng, chống dịch.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, lực lượng này sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác điều trị và góp phần chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm của mình, giúp các bệnh nhân khác ổn định hơn về tâm lý. Về khía cạnh khoa học, người đã mắc bệnh có kháng thể bảo vệ và không bị nhiễm lại SAR-CoV-2 trong ít nhất 6 tháng. Hơn thế nữa, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp. Còn tỷ lệ nhiễm bệnh lại của người đã mắc Covid-19 còn thấp hơn nữa.

Qua hơn một tuần kêu gọi, đã có hơn 1.500 tình nguyện viên F0 đăng ký tham gia công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở y tế của TP HCM. Hơn 60 tình nguyện viên trong số này có trình độ từ trung cấp, cao đẳng trở lên (không thuộc chuyên ngành y, dược), 38 tình nguyện viên có trình độ từ THPT, 8 tình nguyện viên có trình độ THCS. Các chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu cũng được thành phố đặc biệt quan tâm.

Cũng theo BS Châu, hiện nay Trung ương có hai nghị quyết về một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19. Mặt khác, TP HCM cũng ban hành Nghị quyết 02, với chế độ hỗ trợ tiền ăn cho tuyến đầu 120.000 đồng/người/ngày. Đối với những người lưu trú cũng được hỗ trợ mức phụ cấp cấp 300.000 - 400.000 đồng/người/ngày. Các nhân viên tình nguyện đến bệnh viện dã chiến, nơi cách ly điều trị còn được hưởng chế độ như lực lượng điều trị tại bệnh viện. Gần đây, HĐND TP HCM tiếp tục thông qua Nghị quyết 12 với quy định mức hỗ trợ cho tuyến đầu nâng từ 1,5 triệu/người đến 10 triệu/người tùy vào tính chất công việc tham gia. Cho đến nay, một số đơn vị đang áp dụng thực hiện nghị quyết này như Bình Dân, Nhi Đồng 1, Nhiệt Đới, Bệnh viện quận 4… Ngoài ra, các bệnh viện còn lại cũng đang lập danh sách để chi trả cho nhân viên. TP HCM vẫn tiếp tục củng cố hệ thống y tế cộng đồng, đảm bảo chăm sóc tốt cho F0 tại cộng đồng.

Bên cạnh việc quan tâm đến đội ngũ y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng khẳng định: Toàn ngành y tế không bỏ rơi bệnh nhân, mà đang nâng cao truyền thông ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của y bác sĩ. Thời gian qua cả trung ương và TP HCM đã phải huy động các lực lượng từ trung ương và các tỉnh, thành khác hỗ trợ cho thành phố. Các lực lượng tuyến đầu đã tham gia vào tất cả các tầng điều trị, tiêm chủng vaccine đến công tác xét nghiệm. Đây là sự huy động lớn nhất từ trước đến nay. Bộ Y tế chưa có kế hoạch rút quân khỏi TP HCM, do đó người dân yên tâm, lực lượng y tế đã vào, đã làm thì sẽ làm hết trách nhiệm.

LÊ ANH