Vỡ bia cổ chùa Thổ Hà khi trùng tu
Trong quá trình cẩu bia đá cổ niên hiệu Vịnh Trị (1679) ở chùa Thổ Hà (huyện Việt Yên, Bắc Giang) để phục vụ công việc trùng tu, những người thực hiện đã làm vỡ bia.
Xác nhận sự việc với cơ quan báo chí, ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Giang cho biết: Vụ việc xảy ra ngày 8/9 khi đơn vị thi công dịch chuyển bia đá (tại vị trí sân phía trước tòa Tam Bảo) ra vị trí bảo quản, nhằm tạo mặt bằng cho việc nâng cốt nền khuôn viên chùa Thổ Hà. Việc dịch chuyển bia đá cổ không nằm trong kế hoạch được Bộ VHTTDL thỏa thuận, tuy nhiên thực tế thi công tôn phần nền sân sẽ phải tiến hành nâng bia lên.
Chùa Thổ Hà tên chữ là Đoan Minh Tự, được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1996. Dự án tu bổ tôn tạo chùa Thổ Hà được khởi công ngày 19/12/2019 do Ban Quản lý dự án đầu tư huyện Việt Yên làm Chủ đầu tư và giám sát công trình. Công ty Cổ phần bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt là đơn vị thi công.
Tấm bia cổ bị vỡ là loại bia tứ diện (có chữ khắc 4 mặt), bằng đá xanh, được tạc năm 1679 thời Vĩnh Trị triều vua Lê Hy Tông (cách nay 342 năm). Bia ghi tên những người công đức và quá trình xây dựng gác chuông chùa Thổ Hà.
Khi tiến hành di dời bia ra vị trí khác để nâng nền, những người thi công đã đào móng xung quanh bia, dùng dây vải buộc thân bia, sử dụng xe cẩu để nâng. Tuy nhiên, khi nâng bia lên thì thân bia bị tách thành nhiều mảng. Trước tình hình như vậy, Sở VHTTDL Bắc Giang đã yêu cầu Chủ đầu tư dừng việc dịch chuyển bia đá, dùng lạt bó buộc thân và đế bia, bảo quản các mảnh vỡ, đóng cọc căng dây tạo hành lang bảo vệ, tạo mái che tạm thời. Sự việc cũng đã được báo cáo lên UBND tỉnh Bắc Giang và Bộ VHTTDL.
Về nguyên nhân dẫn tới sự việc, theo ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang: Có thể Chủ đầu tư, đơn vị thi công và ban giám sát địa phương đã không đánh giá được hết hiện trạng của bia trước khi di dời. Khi xây dựng thời Lê, bia được đặt trong gác chuông. Đến năm 1954, dân quân địa phương đã đốt gác chuông, rồi lấy chuông đúc súng đạn phục vụ kháng chiến. Do tác động của nhiệt do đốt, bia đá bị rạn nứt nhiều vị trí. Sau đó, trải qua một thời gian dài do bị om lửa, om nước (do lũ lụt) nên đã bị nứt sẵn.
Trách nhiệm của tổ chức và cá nhân liên quan trong việc làm vỡ bia sẽ được xem xét. Cùng với đó, Sở VHTTDL cũng đề nghị Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL đưa ra giải pháp khắc phục.