Xu hướng nuôi vịt làm ‘thú cưng’ trong những ngày giãn cách xã hội
Trong những ngày giãn cách xã hội, trẻ em ở nhà và thực hiện học trực tuyến, bị hạn chế không gian chơi và học. Theo đó, nhiều bà mẹ đã mua trứng vịt lộn, “ấp trứng” nở thành con vịt để nuôi trong nhà cho các bé trải nghiệm.
Xu hướng nuôi vịt làm “thú cưng”
Những ngày thực hiện giãn cách xã hội, trẻ em học trực tuyến thay vì tới trường, hạn chế việc được đi ra ngoài vui chơi. Chính vì thế, các bố mẹ luôn tìm cách làm mới không gian của ngôi nhà, tạo ra các trò chơi để tương tác với con em mình. Và mới đây, nhiều bà mẹ đã mua trứng vịt lộn để khi chúng nở sẽ trở thành người bạn chơi với các con.
Tài khoản Huỳnh Ngân trên nhóm Yêu Bếp hào hứng chia sẻ: “ Sau khi các con thi học kỳ và nghỉ trong mùa giãn cách, để các con hạn chế tiếp xúc nhiều với điện thoại, ti vi, tôi đã mua 4 mua quả trứng vịt lộn để ấp theo hướng dẫn trên Internet, trong 4 quả thì có 2 quả nở thành công. Khi chứng kiến vịt con gõ vỏ chui ra, chị cũng bất ngờ và cũng rất bối rối.”
“Các con đặt tên cho bé vịt đầu tiên là Nguyễn Huỳnh Nhật Vịt, rồi con thứ hai, thứ ba, thứ tư tiếp tục nở. Nhưng khoảng một tuần sau, tôi không thể phân biệt được nữa vì chúng càng lớn, càng giống nhau”, chị Ngân nói.
Chị kể, từ khi có các bé vịt chơi cùng các con nhà cửa trở nên vui vẻ hơn. Các bạn vịt mới nở hay chạy lon ton theo chân các con, bất kể khi các bé đang làm học online hay đi ngủ. Con trai chị dành phần lớn thời gian trong ngày để chơi với vịt, chẳng hạn cho vịt ăn, đi bơi, thậm chí là mang lên giường ngủ cùng. Các con cũng dần hiểu từng loại tiếng kêu của chúng, phân biệt được lúc nào chú vịt đang đói hoặc cần người bên cạnh.
Từ khi có Nhật Vịt, gia đình nhỏ của tôi nhộn nhịp hẳn, có thêm tiếng cười và niềm vui. Chúng tôi coi bạn vịt này như một thành viên trong gia đình. Giờ đây, cả nhà gần như không cần để chuông báo thức vì đã có Nhật Vịt kêu hộ”, chị cười, nói.
Chị Ngân nói thêm, kể từ ngày có người bạn mới, con trai không còn đòi xem tivi. Thay vào đó, cậu bé cùng mẹ chuẩn bị đồ ăn cho vịt và chơi nhiều trò thú vị với chú vịt này như đuổi bắt, tắm nắng ngoài hiên…
Tương tự, chị Phương Anh (Cầu Giấy) cũng cho biết : “ Trong thời điểm giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng, tôi cũng chọn vịt làm thú cưng để bầu bạn cho con, giúp các bé vui chơi thoải mái, thích thú. Đồng thời, việc này còn giúp các con có nhiều trải nghiệm và tìm hiểu thêm về thế giới động vật. Chứng kiến quá trình từ lúc ấp trứng đến khi vịt nở thành con đem lại nhiều cảm xúc cho tôi và các con”.
“Khi vịt nở, tôi mới luống cuống nghĩ xem cần cho vịt ăn gì, sinh hoạt thế nào, đảm bảo môi trường sống ra sao. Quan trọng hơn hết, tôi cần làm gì để cún và mèo cưng trong nhà không bắt nạt vịt con”, chị Phương Anh kể lại.
Kỹ thuật nuôi, chăm sóc vịt
Chị Huỳnh Ngân cho biết nuôi một lúc 2 vịt con trong diện tích căn hộ chật hẹp không phải điều dễ dàng. Chia sẻ kinh nghiệm, chị Ngân nói: “ Xác định là nuôi vịt rất bẩn vì vậy nên chú ý vệ sinh nhà cửa thường xuyên và chỉ nuôi với số lượng ít.
Chị tham khảo, tìm hiểu rất kỹ về thời gian ấp nở trứng, cũng như kỹ thuật chăm sóc vịt lúc mới nở và cách lựa chọn thực phẩm phù hợp cho loài động vật này trên các trang web về chăn nuôi. Để ấp cho trứng nở, chị Ngân lấy 1 thùng giấy có nắp và áo cũ để lót phía dưới và đậy lại để tạo hơi ấm, thời gian vịt nở khoảng 14 tới 16 ngày, trứng nào ấm thì vịt sẽ nở, trứng nào lạnh là vịt đã chết.
Trứng vịt lộn được hình thành từ quả trứng vịt khi phôi đã phát triển, vì thế, bạn phải chắc chắn các trứng bạn chọn hoặc mua về đã có phôi. Vì nếu không có phôi thì sẽ rất tốn công mà không thu được kết quả. Bạn nên chọn những quả trứng vỏ nhẵn, không có quá nhiều vôi, sạch sẽ, ít bị bị bám đất,.
Chú ý chọn trứng không bị rạn nứt, dập vỏ vì những quả này chắc chắn sẽ bị thối, hỏng. Trứng chỉ nên để ngoài dưới 7 ngày ở nhiệt độ 15–200C và độ ẩm khoảng 65 – 75%. Nếu không thể bảo quản ở đúng điều kiện trên thì cần đưa trứng đi ấp sớm hơn.
Để việc ấp trứng vịt lộn được thành công, bạn cần chú trọng đến nhiệt độ và độ ẩm trong suốt quá trình ấp. Về nhiệt độ, bạn phải bảo đảm nhiệt độ dao động trong khoảng 37-38 độ, nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao cũng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả ấp.
Thức ăn cho vịt những ngày đầu thường là cơm, ngô mảnh, mì hạt nấu chín. Khi cho vịt ăn thì trải cót, đặt nong (hoặc trải vải nilông) rồi đổ đều thức ăn cho vịt ăn không bị vãi. Không nên đổ cả thức ăn một lần cho một bữa mà rắc một ít. Mỗi ngày nên cho vịt ăn 4 – 5 bữa, sau mỗi bữa ăn cần cho vịt uống nước sạch.
Lưu ý khi nuôi thú cưng
Dù là vịt hay chó, mèo...mọi người cũng đều phải dành thời gian huấn luyện và chăm sóc cho chúng. Dưới đây là những lưu ý căn bản cho những ai nuôi thú cưng.
Luôn dành thời gian dạo phố, chơi đùa cùng bởi thú cưng cũng giống như con người, nếu như không có bạn chơi cùng, chúng sẽ rất dễ sinh ra cảm xúc buồn bã, lâu dần còn có thể bị trầm cảm. Vì vậy, mọi người nên dành một chút thời gian mỗi ngày để dắt chúng đi dạo phố, đưa đi chơi...
Mèo, chó hay gà, vịt...thì cũng cần phải tiêm phòng cẩn thận, một phần để bảo vệ thú cưng, phần khác cũng là để đảm bảo an toàn cho chính người chủ. Thông thường, vật nuôi sẽ bắt đầu được tiêm phòng khi mới chào đời vài tháng, sau đó tiêm định kỳ theo năm.