Lý lẽ và tình người
Nhiều tháng qua, do giãn cách xã hội nên xe ôtô công nghệ tại TP Hồ Chí Minh không được chạy, không kiếm được tiền nhưng vẫn phải trả đủ cả gốc và lãi vay ngân hàng khiến nhiều chủ phương tiện khốn đốn. Khi tài xế kiến nghị ngân hàng giãn nợ, giảm lãi, nhưng bị từ chối với lý do vay mua xe với mục đích tiêu dùng chứ không phải chạy xe công nghệ.
Có thể khẳng định cách giải thích của ngân hàng không hề sai, bởi những người mua ô tô với mục đích tiêu dùng thì đa số là những trường hợp khá giả, có “của ăn, của để”. Vì thế, những trường hợp này không thuộc diện được hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay vốn. Đó là lý lẽ để ngân hàng đòi cho đủ cả gốc lẫn lãi theo hợp đồng vay vốn đã ký.
Ở chiều ngược lại, những người đã phải vay vốn ngân hàng để mua ô tô thì đại đa số là những người có mục đích kinh doanh vận tải, có thể là vận chuyển truyền thống, có thể là xe công nghệ. Song, khi vay vốn họ không bao giờ có thể ngờ sẽ có một ngày nào đó, tới vài ba tháng phương tiện của mình phải “đắp chiếu”, để rồi vẫn phải è cổ trả lãi ngân hàng.
Do không lường trước được diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cũng không bao giờ hình dung ra bối cảnh xe ô tô không được lăn bánh vì giãn cách xã hội, hầu hết người dân đều ký hợp đồng vay vốn ngân hàng mua ô tô với mục đích tiêu dùng. Mà đã vay vốn mua ô tô với mục đích tiêu dùng thì đương nhiên không được hưởng hỗ trợ khó khăn.
Trong câu chuyện pháp lý này phần yếu thế thuộc về những người dân vay vốn ngân hàng để mua ô tô chạy xe công nghệ. Khi đặt bút ký vào hợp đồng vay vốn có nghĩa họ chấp nhận các điều khoản ràng buộc. Vậy nên giờ đây có được giãn nợ, giảm lãi suất hay không phụ thuộc vào ý chí của ngân hàng chứ không phải vấn đề pháp lý.
Vào những lúc như thế này, các ngân hàng thương mại dù có từ chối giãn nợ, giảm lãi suất vay thì các chủ phương tiện cũng không thể “có ý kiến” được, cũng không cơ quan nào có thể ép ngân hàng phải làm điều họ không muốn. Nghe có vẻ như các “nhà băng” thiếu tình người, nhưng cũng khó trách họ bởi “án tại hồ sơ” khó có thể “linh động” được.
Trong khi đó, xét cho đến cùng ngân hàng cũng chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng đặc biệt là tiền tệ mà thôi. Mà đã là doanh nghiệp thì cũng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng có khó khăn nhất định.
Nói như vậy không có nghĩa là thiếu sự cảm thông, thấu hiểu cho những khó khăn mà các chủ xe ô tô công nghệ gặp phải. Có tới hơn 3 tháng trời TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội khiến họ không thể ra đường kiếm tiền, đến cuộc sống còn khó đảm bảo nói gì đến trả gốc và lãi cho ngân hàng. Tình cảnh đó làm sao mọi người có thể không chia sẻ?
Song, cũng không thể vì sự cảm thông, chia sẻ khó khăn với các chủ xe công nghệ mà có thể “linh động” làm trái quy định, nhất là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Để giảm áp lực cho ngân hàng, cũng như tháo gỡ khó khăn cho các chủ xe công nghệ, cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp căn cơ chứ không nên để mặc cho hai bên tự giải quyết. Lý lẽ và tình người cần phải hài hòa mới có thể giải quyết được bài toán khó này.