Trợ lực để doanh nghiệp hồi sinh
Dịch bệnh làm cho các doanh nghiệp của vùng ĐBSCL bị kiệt quệ. Đã đến lúc các địa phương vùng ĐBSCL phải tính toán các phương án để trở về trạng thái bình thường mới.
Doanh nghiệp ngừng hoạt động cao nhất cả nước
Tỷ lệ lao động tại các doanh nghiệp (DN) vùng ĐBSCL được tiêm vaccine ở mức khá thấp. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8/2021, mới có hơn 23% DN có tỷ lệ từ 80% số lao động được tiêm vaccine, khoảng 18% DN có từ 50-80% và 23% DN có 50% lao động được tiêm vaccine. Đặc biệt gần 20% số DN mới được tiêm cho 10% lao động đang làm việc.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 81.584 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.133 nghìn tỷ đồng… Riêng khu vực ĐBSCL, số DN thành lập mới 8 tháng đầu năm 2021 đạt 5.923 DN (giảm 9,75% so với cùng kỳ năm 2020).
So với cùng kỳ năm 2020, Kiên Giang là địa phương duy nhất trong vùng có số DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ, tăng 3,3%, các tỉnh còn lại đều giảm. Trong khi đó, số DN thông báo tạm ngừng kinh doanh 8 tháng đầu năm nay có 2.109 DN, tăng 23% so với cùng kỳ. Số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, trong tháng 8, chỉ có gần 250 DN trong tổng số 75.000 DN vùng ĐBSCL còn hoạt động ở mức cầm chừng (từ 20 – 40% công suất).
So sánh về tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể thì vùng ĐBSCL đang cao hơn mức bình quân cả nước gấp 2 lần. Trong 3 tháng qua, tỷ lệ DN quay trở lại hoạt động giảm dần, ngược lại số DN phá sản gia tăng. Những dữ liệu nói trên cho thấy tác động khủng khiếp của dịch bệnh đối với nền kinh tế toàn vùng.
Lên các phương án trợ lực
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ cho biết: “Từ khi dịch bệnh bùng phát, VCCI Cần Thơ đã thành lập tổ công tác ứng phó Covid-19 nhằm theo dõi những tác động, ảnh hưởng đến kinh tế và DN ĐBSCL”.
Qua ghi nhận về khó khăn của DN, đại diện VCCI cho biết, các DN đang bị ảnh hưởng mọi mặt, cụ thể: Mô hình tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” đã gây thiệt hại cho DN; Quá trình thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16 đang làm khó khăn trong vận chuyển, sản xuất, lưu thông hàng hóa...
Trước thực tế này, VCCI Cần Thơ kiến nghị, các địa phương cần nhanh chóng cho phép tái sản xuất, mở cửa lại các hoạt động kinh doanh, có lộ trình cụ thể sớm nhất có thể. “Cho khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh và có sự gắn kết giữa các tỉnh/thành. Trong đó, vấn đề kết nối ĐBSCL và TP HCM là rất quan trọng” – đại diện VCCI Cần Thơ nêu quan điểm.
Cũng theo ông Lam, thời điểm này, người lao động sẽ có thêm nguồn vaccine, bởi vậy, nếu việc tiêm chủng được đẩy mạnh, số người lao động được tiêm phòng tăng lên, có thể sử dụng Chứng nhận tiêm vaccine thay cho thẻ “Công dân Xanh” để thuận lợi cho việc đi lại và kiểm soát. “Giai đoạn này, tùy tình hình sẽ quyết định cho việc mở rộng sang trạng thái bình thường mới, các ngành có thể trở lại nhưng phải gắn với những điều kiện quy định từ chính quyền nhằm đảm bảo phòng dịch an toàn” – ông Lam nói.