Thay đổi để ‘sống chung’ với Covid-19
Nhiều quốc gia đang bắt đầu có những thay đổi trong các biện pháp đối phó với đại dịch Covid-19 để phù hợp với tình hình mới, bởi tất cả đều hiểu rằng, Covid-19 không thể biến mất hoàn toàn, thế giới sẽ phải “sống chung” với nó như những dịch bệnh khác.
Mỹ nới lỏng nhiều hoạt động
Ngày 14/9, Thống đốc bang Florida - ông Ron DeSantis đã đề nghị chính quyền địa phương áp mức phạt 5 nghìn đô la đối với những ai không tiêm vaccine Covid-19 trong bối cảnh các ca nhiễm mới đang tăng vọt ở bang này.
Ông Ron DeSantis cho biết, các địa phương như quận Cam và thành phố Gainesville, có thể tiết kiệm hàng triệu đô la tiền phạt nếu yêu cầu các nhân viên đi tiêm vaccine. Đây là một động thái có thể gọi là mạnh tay để nâng tỷ lệ người tiêm vaccine ở Mỹ.
Trong khi đó, ngày 13/9, khoảng 1 triệu học sinh thuộc các trường công lập của thành phố New York đã trở lại trường học. Động thái này được coi như một cuộc thử nghiệm lớn nhất của quốc gia về việc mở lại hình thức học trực tiếp trong đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, gần như tất cả 300.000 nhân viên của thành phố sẽ được yêu cầu trực tiếp trở lại nơi làm việc. Tất cả sẽ cần phải tiêm phòng hoặc xét nghiệm Covid-19 hàng tuần để có thể tiếp tục công việc.
Thành phố New York cũng được thiết lập để bắt đầu áp dụng các quy định yêu cầu nhân viên và khách hàng phải được tiêm phòng khi đến các không gian trong nhà tại nhà hàng, bảo tàng, phòng tập thể dục và các địa điểm vui chơi giải trí. Cũng sẽ có một quy định bắt buộc về việc tiêm vaccine đối với giáo viên ít nhất một mũi trước ngày 27/9.
Các quan chức thành phố New York cũng cho biết, sẽ không có lựa chọn học từ xa và tất cả học sinh, giáo viên và nhân viên đều phải đeo khẩu trang khi đến trường.
Châu Âu rục rịch trở lại trạng thái “bình thường mới”
Ngày 14/9, chính phủ Nga thông báo sẽ nối lại các chuyến bay với Tây Ban Nha, Iraq, Kenya và Slovakia bắt đầu từ ngày 21/ 9, cũng như sẽ tăng số lượng các sân bay được phép có các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.
Lực lượng đặc trách chống dịch Covid-19 của Nga cho biết các quyết định khôi phục đường bay được đưa ra dựa trên đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh ở các nước nêu trên đã được cải thiện đáng kể. Tính đến nay, Nga đã mở lại đường hàng không với 53 quốc gia.
Cùng ngày, Reuters đưa tin, chính phủ Anh quyết định sẽ tiêm vaccine Covid-19 cho toàn bộ các thiếu niên từ 12-15 tuổi sau khi ngành y tế Anh khuyến cáo triển khai tiêm cho trẻ em. Quyết định này được xem là một phần của “bộ công cụ” trong chiến lược đối phó với Covid-19 vào mùa thu và mùa đông mà Thủ tướng Boris Johnson đã công bố cùng ngày. Việc tiêm chủng cho nhóm tuổi trên dự kiến sẽ bắt đầu vào tuần sau.
Trong khi đó, từ ngày 1/10, người dân Brussels, Bỉ sẽ được yêu cầu xuất trình thẻ y tế khi đến các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ thể dục cũng như tại các hội chợ thương mại để chứng minh rằng họ đã được tiêm phòng hoặc có xét nghiệm âm tính gần đây với Covid-19.
Chính quyền đã phê duyệt việc sử dụng rộng rãi thẻ y tế trong khi Flanders và Wallonia, những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, vẫn chưa quyết định có làm như vậy hay không.
Tại Hà Lan, kể từ ngày 25/9, nước này bắt đầu bãi bỏ quy định về khoảng cách 1,5 m giữa mọi người. Tuy nhiên, giấy chứng nhận an toàn với Covid-19 sẽ bắt buộc với những người từ 13 tuổi trở lên, đặc biệt tại quán cà phê, phòng hòa nhạc, nhà hát. Khẩu trang vẫn bắt buộc sử dụng trên phương tiện công cộng, nhất là tại các nhà ga, bến tàu.
Tại Bồ Đào Nha, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới đã có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm rõ rệt, kể từ ngày 13/9, không bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài trời.
Trong khi đó, Hy Lạp bắt buộc xét nghiệm và trả phí đối với trường hợp không tiêm chủng. Theo đó, vào ngày tựu trường truyền thống, tất cả các sinh viên, học sinh kể cả nhân viên thuộc các đơn vị công, tư chưa tiêm chủng đều bắt buộc phải xét nghiệm và tính phí.
Các quốc gia Đông Nam Á xem xét các mô hình mở cửa
Chính phủ Thái Lan đang xem xét lại mô hình mở cửa khi tiến tới áp dụng chính sách một tiêu chuẩn, một hệ thống (OSOS) nhằm dỡ bỏ cách ly bắt buộc với tất cả các khu vực thử nghiệm trong năm nay và cắt giảm một nửa chi phí xét nghiệm Covid-19.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) Yuthasak Supasorn cho biết, kế hoạch này sẽ được trình lên Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 (CCSA) vào tuần tới để có thể bắt đầu tiếp nhận khách du lịch từ 1/10. Theo kế hoạch này, các tỉnh sẽ áp dụng các quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) giống nhau để cho phép du khách tự do đi lại trong các khu vực được chỉ định ở mỗi tỉnh.
Trong khi đó, ngày 14/9, người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho biết, thủ đô của Philippines sẽ chuyển sang chế độ đóng cửa cục bộ bắt đầu từ ngày 16/9, đồng thời cho phép nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Theo hướng dẫn mới, các giới hạn kiểm dịch sẽ bao phủ toàn bộ các thành phố, thay thế cách phân loại bốn cấp độ đang được áp dụng cho các nhóm thành phố và tỉnh lớn. Tuy nhiên, thị trưởng ở những khu vực có mức độ cảnh báo thấp nhất có thể cho phép hoạt động giải trí trong nhà như rạp hát, quán bar, câu lạc bộ, rạp chiếu phim và công viên giải trí.
Cùng ngày, Chính phủ Indonesia đã quyết định nới lỏng các hạn chế Covid-19 đối với hòn đảo du lịch nổi tiếng Bali, dù vậy, du khách quốc tế vẫn sẽ phải thực thi các quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt khi đến đây. Theo đó, du khách sẽ phải chứng minh tình trạng tiêm chủng trên một ứng dụng điện thoại được chính phủ quy định, đồng thời, du khách quốc tế phải mất 8 ngày cách ly y tế và thực hiện 3 xét nghiệm PCR trước khi họ vào đảo.
Kịch bản “sống chung” với Covid-19 đang được nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhắm đến. Khi con người được trang bị một hệ miễn dịch khỏe và mạnh, việc nhiễm Covid-19 lần đầu tiên hay nhiều lần sau đó cũng không còn quá nguy hiểm tới tính mạng. Khi đó, Covid-19 sẽ trở thành một loại bệnh cúm mà con người sẽ mắc phải thường xuyên nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng.