Bất an khi sử dụng nước sạch mà không sạch
Hàng nghìn hộ dân ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh bỏ tiền ra mua nước sạch để sử dụng nhưng không thể nấu ăn, uống. Đã vậy, nguồn nước sạch nhưng không sạch này còn bị cắt thường xuyên, có khi không báo trước, ảnh hưởng đến sinh hoạt khiến người dân bức xúc.
Bức bối vì nước không đảm bảo
Phản ánh với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Thuận Tâm (tổ dân phố 12, thị trấn Thạch Hà - địa phận xã Thạch Thanh (cũ) - huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết, 2 ngày nay gia đình ông không có nước máy để dùng, cuộc sống cả gia đình đảo lộn.
“Đợt trước họ cắt nước máy có thông báo nhưng đợt này không hề có thông báo nào. Đã 2 ngày rồi chúng tôi không có nước để dùng mà cũng không hiểu lý do vì sao” - vợ ông Tâm nói.
Chỉ vào bể trữ nước máy cạn trơ đáy, ông Tâm cho biết, nguồn nước máy được gia đình ông mua từ năm 2017-2018 đến nay nhưng không an tâm khi sử dụng bởi nước bẩn, cặn, phèn. “Nhà tôi chỉ dùng nước này để tắm, giặt giũ, sinh hoạt. Còn nước để nấu ăn, uống, chúng tôi phải xây bể lấy nước mưa để dùng” - ông Tâm nói.
Cũng theo ông Tâm, nước máy không đảm bảo nên người dân nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Thậm chí có đợt người dân còn phản ứng kịch liệt, không đóng tiền nước để yêu cầu nhà máy nước cải thiện chất lượng nước cũng như dịch vụ tốt hơn. Nhưng rồi, đâu lại hoàn đấy. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đã cắt hai lần nước, mỗi lần 2-5 ngày.
Bao giờ nước sạch được cải thiện?
Đó là câu hỏi không chỉ người dân xã Thạch Thanh (cũ) mà hàng nghìn hộ dân khác ở các xã phía bắc huyện Thạch Hà như Việt Tiến, Thạch Kênh,… đặt ra nhiều năm nay.
Theo tìm hiểu của PV, Nhà máy nước sạch cụm Bắc Thạch Hà được xây dựng năm 2016 với công suất 3.000 m3/ngày đêm. Nhà máy đang cung cấp nước cho khoảng 6.000 hộ dân của 4 xã/ thị trấn của huyện Thạch Hà và xã Quang Lộc, huyện Can Lộc. Nước máy này hiện bán ra cho người dân với giá 4.400 đồng/m3.
Nguồn nước thô để nhà máy xử lý được lấy từ nước sông Già, tuy nhiên nguồn nước này đang bị ô nhiễm. Đặc biệt, dòng sông này có các trang trại chăn nuôi sát bờ sông khiến người dân không an tâm khi sử dụng.
Chủ tịch UBND xã Việt Tiến (huyện Thạch Hà) Nguyễn Văn Hướng cho biết: “Thời gian vừa qua, bên cạnh việc đề nghị Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà sớm xử lý tình trạng nước máy bẩn, đục, hôi tanh thì địa phương đã đề xuất với huyện cử đoàn về kiểm tra, đánh giá và khắc phục. Do e ngại nguồn nước từ sông Già, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân bày tỏ cần sớm đẩy nhanh tiến độ dự án thay thế nguồn nước thô từ hồ Trại Tiểu (xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc). Chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để khắc phục sự cố, song còn chưa triệt để”.
Ông Hồ Đình Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Hà Tĩnh lý giải nước máy bị cặn, bẩn là do quá trình thi công các công trình hạ tầng làm hư hỏng đường ống dẫn nước nên lẫn tạp chất vào đường ống. Mỗi lần như vậy, đơn vị tập trung xử lý để cung cấp nguồn nước đảm bảo cho người dân sử dụng.
Được biết, năm 2020, tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự án thay thế nguồn cấp nước thô cho Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà từ sông Già sang hồ Trại Tiểu với tổng mức đầu tư 15,9 tỷ đồng. Tháng 4/2021, dự án này được triển khai và sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ cung cấp nguồn nước thô đảm bảo lưu lượng và chất lượng theo QCVN 08:2008/BTNMT cho Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà với công suất 3.000 m3/ngày đêm. Dự kiến, cuối năm nay, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.