Ảm đạm bất động sản cho thuê
Dịch bệnh Covid-19 tác động rất lớn đến hoạt động cho thuê văn phòng, trung tâm thương mại cho đến phân khúc nhà hàng, cửa hàng kinh doanh, nhà ở.
Thị trường tê liệt
Thời điểm này, thị trường nhà ở cho thuê từ phân khúc căn hộ cao cấp, trung cấp đến bình dân đều giảm từ 10-30%. Tại toà nhà Kosmos (Xuân Đỉnh, Hồ Tây, Hà Nội), chủ một căn hộ cho thuê cho biết, nếu năm 2020, căn hộ 3 phòng ngủ với nội thất đầy đủ có giá cho thuê 24 triệu đồng/ tháng, thì năm nay, từ thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát, giá thuê đã giảm mạnh, chỉ còn 17 triệu đồng/ tháng.
Tương tự, tại toà nhà Ecolife Capital ở 58 Tố Hữu (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chủ nhà có một số căn hộ cho thuê với diện tích 60 m2, 75 m2, 98 m2 cho biết, giá thuê giảm từ 1đến 3 triệu đồng so với năm 2020. Cụ thể với căn hộ 60 m2 nội thất đầy đủ giá cho thuê 7 triệu đồng/ tháng trong khi đó, năm trước có giá 8 – 9 triệu đồng/ tháng.
Một nhân viên môi giới mua bán – cho thuê phân khúc căn hộ bình dân tại quận Nam Từ Liêm cho hay, phân khúc này gặp khó khăn từ năm 2020 và đến đợt dịch thứ 4 này thì gần như tê liệt. Nhiều gia đình bị sụt giảm thu nhập nên cắt giảm chi phí ăn ở, chuyển sang tìm các căn hộ mi ni có giá mềm hơn để thuê. Thực tế cho thấy, phân khúc bất động sản cho thuê tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM đều phải đối mặt với nhiều khó khăn như, khách thuê trả mặt bằng, giá thuê liên tục đi xuống…
Ông Trần Anh Tú, chủ một cửa hàng cà phê ở phố Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, cửa hàng cà phê ông đang thuê thời điểm trước dịch có giá thuê là 150 triệu đồng/ tháng. Do giá quá cao nên ông đã tìm địa điểm mới để thuê, có nơi mặt bằng đã giảm còn khoảng 90 triệu đồng/ tháng.
“Tôi lập tức chốt ngay hợp đồng thuê, vì biết vị trí đắc địa này hiếm khi có giá 90 triệu/ tháng. Nào ngờ dịch dã liên miên, chỉ mở cửa được ít ngày đã phải đóng cửa hàng. Thời điểm này tôi đang tính trả lại mặt bằng, vì vốn kinh doanh đã “chạy” hết vào tiền thuê mặt bằng” – ông Tú nói.
Tình trạng kinh doanh không có nguồn thu do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho nhiều cá nhân cũng như các doanh nghiệp (DN), công ty không thể trụ ở những địa điểm, mặt bằng đẹp. Trong khi đó ở chiều ngược lại, phía chủ nhà, hay các đơn vị phân phối kinh doanh có mặt bằng cho thuê cũng than khó tìm được khách thuê.
Không chỉ căn hộ và nhà phố đang có tỷ suất lợi nhuận cho thuê giảm, các loại bất động sản cho thuê khác cũng bước vào chu kỳ “đóng băng” kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Cuối tháng 6/2021, giá thuê phòng trọ giảm bình quân 20-30% so với quý đầu năm, có nhiều nơi thậm chí còn giảm đến 50% để hỗ trợ khách thuê mùa dịch. Dọc các tuyến phố kinh doanh sầm uất của Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào, Chùa Bộc, Thái Hà… trước đây mặt bằng kinh doanh quý hơn vàng, song hơn 1 năm nay im lìm, không có khách hỏi thuê.
Khó hồi phục
Không chỉ khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, chủ các căn hộ cho thuê ở 2 đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM đang trăn trở với đề xuất thu thuế đối với loại hình căn hộ cho thuê lên tới 10%.
Giới chuyên gia nhận định, phân khúc nhà ở cho thuê, nhất là căn hộ sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021 bởi nền kinh tế đi xuống, người dân thắt chặt chi tiêu, lượng khách nước ngoài chưa trở lại Việt Nam để làm việc...
Ở góc nhìn DN, một số nhà khởi nghiệp trẻ cho rằng, các đợt giãn cách xã hội kéo dài đã thúc đẩy quá trình DN và cá nhân tham gia vào thương mại điện tử. Theo đó, xu hướng phát triển khách hàng trên mạng ngày càng mạnh lên, dẫn đến nhu cầu thuê mặt bằng giảm xuống. Giá thuê mặt bằng, văn phòng và công suất cho thuê trên thị trường ghi nhận quý II giảm so với quý I và quý III này vẫn tiếp tục giảm.
Thị trường mua bán - cho thuê bất động sản ảm đạm, tê liệt cũng đã khiến cho các sàn giao dịch bất động sản khó khăn. Thống kê cho thấy, hiện tại đã có tới hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp.