Tái hiện không gian văn hóa Quốc Tử Giám
Dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” ra đời với mục đích quảng bá các hoạt động giao lưu văn hóa, cung cấp các thông tin về lịch sử Việt Nam trung đại tới công chúng. Dự án cũng triển khai các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gần gũi với người trẻ trong và ngoài nước; các chương trình trò chuyện chia sẻ về giá trị và sức sống của giáo dục xưa trong bối cảnh xã hội hiện đại...
Theo thông tin từ Ban tổ chức: Dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” ra đời như một lời khẳng định về sức trường tồn của “nhân, nghĩa, lễ, nhạc” trong đời sống nước Nam. Qua dự án này, những người thực hiện muốn tái hiện ít nhiều phong khí của một nền lịch sử văn hiến rạng rỡ, và giữ cho ngọn lửa văn hóa vốn âm ỉ cháy trong đời sống Việt được truyền tay, kế thừa. Những hoạt động văn hóa sẽ được Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Dự án phi lợi nhuận về Văn hóa và Giáo dục Gavisto Diplomat phối hợp cùng các đơn vị để thực hiện trong khuôn khổ này, như là giới thiệu về vị thế của đạo học trong sự phát triển của nước Việt, cũng là hành động thiết thực trong sứ mệnh kế tục truyền thống trường Quốc Tử Giám xưa.
Bà Hoàng Đoan Trang - người đồng sáng lập Dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” cho biết: “Gavisto Diplomat là một dự án hướng đến việc bồi dưỡng và duy trì căn cước văn hóa Việt cho các bạn trẻ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Khi gặp gỡ và trao đổi với TS Lê Xuân Kiêu, được biết Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám có mong muốn phát triển các hoạt động để lưu giữ và truyền tải giá trị của đạo học trong đời sống của người Việt, hai bên đã tìm được tiếng nói chung và quyết định thực hiện Dự án Không gian văn hóa Quốc Tử Giám. Mục đích thực hiện dự án này, bên cạnh việc gìn giữ truyền thống và giá trị văn hóa của Trường Quốc Tử Giám xưa, còn hướng đến việc cung cấp các kiến thức lịch sử Việt Nam một cách hệ thống, thú vị và thân thiện nhất, giúp các bạn trẻ khơi dậy tình yêu với lịch sử, văn hóa của đất nước mình và chung tay bảo tồn, kế thừa những giá trị đó”.
Khi thực hiện dự án này, khó khăn lớn nhất của đội ngũ thực hiện là làm sao để cho ra đời một sản phẩm văn hóa có ý nghĩa và đưa tới tay những người quan tâm trong thời điểm giãn cách xã hội. Các hoạt động văn hóa dự tính sẽ tổ chức tại Không gian văn hóa Quốc Tử Giám đều đã phải hoãn lại để đợi dịch bệnh được đẩy lùi. Tuy nhiên, trước sự hỗ trợ nhiệt tình của Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cũng như sự đón nhận nhiệt tình của quý báo và của bạn đọc, đơn vị thực hiện đã nhận được rất nhiều lời nhắn nhủ từ ngày đầu tiên ra mắt, với nội dung chúc mừng và dặn dò đội ngũ giữ gìn sức khỏe để cùng vượt qua đại dịch, tiếp tục sản xuất các hoạt động, chương trình văn hóa trong tương lai.
Thảo Nguyên - một bạn đọc chia sẻ: “Đây là dự án vô cùng ý nghĩa và thật sự cần thiết trong thời buổi hiện tại khi nước nhà đang phát triển và hội nhập với xu thế của thế giới. Để hướng tới tương lai đầy triển vọng phía trước, rất cần bảo tồn và gìn giữ những giá trị cốt lõi đã được hình thành và trân trọng trong suốt những năm tháng lịch sử của nước nhà. Rất mong chờ những hoạt động tiếp theo của dự án trong tương lai”.
Dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” không chỉ dừng lại ở mục đích tổ chức các hoạt động văn hóa như tọa đàm, trò chuyện hay trải nghiệm văn hóa, mà còn hướng để việc ít nhiều xây dựng, tái hiện lại các hoạt động giảng dạy và học tập tại không gian Quốc Tử Giám, giúp đưa Quốc Tử Giám trở thành một không gian sinh hoạt văn hóa gần gũi và bổ ích với mọi đối tượng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Luôn mong chờ những hoạt động ý nghĩa tiếp theo của dự án, bạn Hoàng Minh Ngọc cho biết: “Đây là một trong những dự án mà tôi đặc biệt quan tâm tới vì rất nhiều lí do khác nhau. Có lí do quan trọng nhất là dự án gắn liền với không gian Văn Miếu - Quốc Tử giám, một nơi gắn với nhiều thế hệ học sinh; hơn nữa lại là một dự án gắn kết thế hệ trẻ”.
Trong thời gian giãn cách xã hội, bên cạnh việc sử dụng hai kênh mạng xã hội là facebook và instagram để cung cấp thông tin cho bạn đọc, đơn vị thực hiện dự án đang gấp rút chuẩn bị để có thể sản xuất các chương trình giao lưu, chia sẻ trực tuyến, và gần đây nhất là chuỗi trò chuyện mang tên Mạn Đàm, với nội dung xoay quanh “Đạo học trong bối cảnh đời sống và giáo dục hiện đại”.
Chia sẻ về ý nghĩa của dự án này, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Đội ngũ thực hiện Dự án này là những bạn trẻ với đam mê giữ gìn những giá trị của lịch sử văn hóa. Với mục đích kết nối giá trị truyền thống với thế hệ trẻ. Việc làm này rất có ý nghĩa nên chúng tôi rất ủng hộ. Khi hết dịch sẽ có những hoạt động về giáo dục, đối tượng hướng tới các bạn trẻ hiện nay”.