Biến đổi khí hậu có thể khiến 200 triệu người trên khắp thế giới di cư vào năm 2050
Biến đổi khí hậu vẫn luôn là mối hiểm họa lớn đối với cuộc sống con người.
Theo một báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu có thể đẩy hơn 200 triệu người dân rời bỏ nhà cửa trong vòng 3 thập kỷ tới và tạo ra nhiều điểm nóng về di cư khắp các châu lục, trừ khi các hành động khẩn cấp được thực hiện để giảm lượng khí thải toàn cầu và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Trong kịch bản bi quan nhất, với mức độ ô nhiễm thải ra môi trường cao như hiện nay, đi cùng với sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực, dự báo có tới 216 triệu dân sẽ di cư trong 6 khu vực được phân tích. Các khu vực đó bao gồm Châu Mỹ Latinh, Bắc Phi, Châu Phi cận sa mạc Sahara, Đông Âu, Trung Á, Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương.
Đối với kịch bản ngược lại, với lượng thải thấp và mức độ phát triển đồng đều, thế giới sẽ chỉ còn nguy cơ với con số 44 triệu người rời bỏ nhà cửa.
Báo cáo đã chỉ ra rằng, khu vực Châu Phi cận Sahara chính là vùng đất “dễ bị tổn thương” nhất do ảnh hưởng từ hiện tượng sa mạc hóa. Cùng với đó, việc phần lớn dân số nơi đây đều phụ thuộc vào nông nghiệp chắc chắn sẽ là lý do chính khiến hơn 86 triệu người sẽ phải di cư để đảm bảo cuộc sống.
Tuy nhiên, Bắc Phi lại là khu vực được dự đoán có tỷ lệ người di cư vì biến đổi khí hậu lớn nhất trên thế giới, với con số khoảng 19 triệu dân, tương đương 9% dân số của khu vực này. Nguyên nhân chủ yếu là do sự khan hiếm nguồn nước đang gia tăng mạnh ở vùng đông bắc Tunisia, tây bắc Algeria, tây nam Morocco và chân núi của vùng Atlas.
Ở khu vực Nam Á, Bangladesh là quốc gia bị ảnh hưởng đặc biệt bởi lũ lụt và mất mùa, chiếm gần một nửa số người “di cư khí hậu” được dự đoán, khoảng 19,9 triệu người.
Giáo sư Maarten van Aalst, Giám đốc Trung tâm khí hậu Trăng lưỡi liềm đỏ thuộc Hội Chữ thập đỏ Quốc tế cho rằng: “Đây là một thực tế đáng sợ mà chúng ta phải bắt đầu suy nghĩ tới ngay bây giờ. Nếu không, trong tương lai gần mọi thứ sẽ còn có thể tồi tệ hơn nữa.”
Nhiều nhà khoa học cho biết thế giới đã cải thiện các vấn đề môi trường, đặc biệt là khí thải một cách đáng kể, nhưng ngay cả trong một viễn cảnh lạc quan như vậy, van Aalst vẫn tin rằng nhiều tác động hiện đang xảy ra nhanh hơn dự kiến của con người. Bao gồm cả những hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời gian gần đây mà Trái Đất đang phải gánh chịu, chúng chính là tác động tiềm ẩn đối với nạn di cư.
Các điểm nóng di cư có thể xuất hiện trong vòng một thập kỷ tới và gia tăng nhanh chóng vào năm 2050 nếu như những hành động chung để giảm lượng khí thải nhà kính và ngăn chặn tàn phá môi trường tự nhiên không được sớm thực hiện.