Những cơ sở để Bình Dương khôi phục kinh tế - xã hội sau giãn cách
Lượng F0 giảm rõ rệt, số bệnh nhân nhập viện giảm sâu, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh xuất viện ngày càng nhiều, vùng xanh được mở rộng, vùng đỏ được thu hẹp... là dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Bình Dương cơ bản được khống chế.
Ngày 15/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị thông tin công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong trạng thái bình thường mới. Tại đây, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã trả lời câu hỏi: "Cơ sở nào để nói tỉnh Bình Dương cơ bản đã khống chế được dịch bệnh Covid-19?".
Bước tới đâu giữ chặt tới đó
Theo ông Nguyễn Hoàng Thao, từ ngày 15/9 là một mốc cực kỳ quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh Bình Dương đang thực hiện chiến lược bước tới đâu giữ chặt tới đó, các "vùng xanh" thì xanh tới đâu giữ xanh tới đó, "vùng đỏ" còn lại đỏ tới đâu "chiến đấu" tới đó và cơ bản tỉnh đã khống chế được dịch bệnh Covid-19 bởi những cơ sở sau đây:
Thứ nhất: Trên cơ sở dữ liệu của ngành y tế, một số bộ ngành Trung ương và kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy ở Bình Dương, các ca F0 đã và đang giảm từng ngày một cách rõ rệt. Tương ứng với điều này là các ca F0 tại các khu điều trị được ra viện ngày càng nhiều hơn, có ngày ra viện đến 7.000 ca và nhất là ngày 14-9 ra viện gần 10.000 ca.
Thứ hai: Xét nghiệm diện rộng lượng F0 phát hiện ngày càng giảm, đặc biệt là "vùng xanh" cơ bản đã ổn định và an toàn, xét nghiệm "vùng đỏ" F0 ngày càng thu hẹp dần. Hiện tỉnh đang tập trung các biện pháp y tế, 3 ngày test một lần theo quy định của Bộ Y tế để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Thứ ba: Mở rộng "vùng xanh" có kiểm soát, các khu phố xanh, xã ấp xanh đi lại với nhau; còn "vùng đỏ", "điểm đỏ", "khu vực đỏ", "gia đình đỏ" thì tiếp tục khóa chặt để sử dụng các biện pháp y tế, sử dụng các gói an sinh xã hội để hỗ trợ người dân.
Thứ tư: Về vaccine, đến nay số liệu vắc-xin được tiêm so với số dân đã đạt gần 100%. Tuy nhiên còn gặp khó khăn về vấn đề nhập dữ liệu và tỉnh đang tăng cường lực lượng để khắc phục điều này.
Thứ năm: Các khu điều trị hiện nay của tỉnh đủ để đáp ứng. Hiện nay lượng ca bệnh nhập viện chưa đến 3.000/ngày, trong khi xuất viện 10.000/ngày.
Thứ sáu: Mạng lưới y tế ngày càng hoàn thiện. Cụ thể trong điều kiện bệnh viện công tiếp tục củng cố, mạng lưới y tế lưu động tại các "vùng xanh", "vùng đỏ" được tăng cường từ 1 đến 3 cơ sở, thậm chí nhiều hơn, ngay trong doanh nghiệp khu công nghiệp cũng có mạng lưới y tế. Đội ngũ y tế được tăng cường từ các tỉnh chi viện về, kể cả quân y của Bộ Quốc phòng .
Ông Nguyễn Hoàng Thao nhấn mạnh, phục hồi kinh tế là cần thiết. Song không vì thế mà tỉnh nóng vội cho mở cửa ngay đối với những hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ tại những khu vực “vùng đỏ”, đặc biệt những khu vực vẫn còn nguy cơ rất cao. Tỉnh cũng đã triển khai việc thống nhất giữa các chốt lưu thông trong và ngoài tỉnh, thống nhất việc nới lỏng phạm vi giữa các “vùng xanh”, nhất là việc đi lại của người dân hiện nay trong trạng thái bình thường mới.
“Việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nghiêm ngặt bằng cách “khóa chặt, đông cứng” thì rất dễ trong công tác quản lý, kiểm soát. Nhưng khi “mở ra” để trở lại trạng thái bình thường mới việc đi lại giữa các “vùng xanh” và liên kết địa bàn là cần thiết nhằm bảo đảm việc giao thương qua lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Để kiểm soát tốt, tỉnh đã chỉ đạo các chốt tạo điều kiện một cách rõ ràng các điều kiện pháp lý theo quy định. Qua đó nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp khi đáp ứng điều kiện thuận lợi trong việc đi lại; đồng thời đây cũng là biện pháp để giúp kiểm soát tốt việc đi lại, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.
Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo tỉnh sẽ tiếp tục “khóa chặt” các khu vực “vùng đỏ”, “điểm đỏ”, “nhà đỏ” để triển khai các biện pháp y tế để xử lý, kiểm soát tốt dịch bệnh; đồng thời tiếp tục triển khai an sinh xã hội để hỗ trợ người dân trong vùng bị khóa chặt”, ông Nguyễn Hoàng Thao nói về chủ trương sẽ tiếp tục “khóa chặt vùng đỏ” trong thời gian tới.
Cụ thể, các địa phương “vùng đỏ”, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, bảo đảm giãn cách người với người, gia đình với gia đình, khu phố với khu phố, “ai ở đâu ở yên đó”, không để chặt ngoài lỏng trong. Đối với các địa phương “vùng xanh”, khi nới lỏng thực hiện giãn cách xã hội cần thận trọng, chặt chẽ, làm từng bước và đồng bộ, bảo đảm an toàn; thường xuyên phân tích, đánh giá, cập nhật tình hình, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Lộ trình 3 giai đoạn khôi phục
UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch khôi phục kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội, trong đó nêu chủ trương, lộ trình phục hồi các hoạt động. Kế hoạch này đã được công bố tại hội nghị.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, lộ trình phục hồi kinh tế - xã hội sẽ chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 15/9 – 31/10/2021), tỉnh sẽ ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các vùng xanh gồm các huyện phía Bắc: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, TX.Bến Cát và TP.Thủ Dầu Một.
Giai đoạn 2 (từ sau 31/10), nếu được Bộ Y tế phân bổ đầy đủ vaccine, Bình Dương sẽ hoàn thành tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 2 cho toàn bộ người dân trong tỉnh, đến ngày 31/10/2021 cơ bản miễn dịch cộng đồng.
Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn "vùng đỏ", "vùng vàng", Bình Dương sẽ mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Loại trừ một số ngành nghề dễ gây bùng dịch như karaoke, vũ trường, quán bar...
Và ở giai đoạn 3 (từ sau 31/12/2021), nếu kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn "vùng đỏ", "vùng vàng", tỉnh sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội. Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí điều kiện hoạt động.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, tuyệt đối không được chủ quan, nóng vội nới lỏng các yêu cầu giãn cách đối với những địa phương chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh. “Tránh việc lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và chủ quan, nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất - kinh doanh khi chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp chống dịch”, Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, thực hiện các kế hoạch trên, người đứng đầu các địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu trong quá trình điều hành khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội để bùng phát dịch bệnh trên địa bàn quản lý.
Quán triệt phương châm "An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn". Tuân thủ các hướng dẫn về an toàn phòng chống dịch của Bộ Y tế trong từng ngành, lĩnh vực gắn với điều kiện cụ thể, đặc thù của từng địa phương trong tỉnh; quyết tâm bảo vệ được thành quả chống dịch; nhanh chóng thu hẹp vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh.
Từng bước mở cửa, hồi phục kinh tế, giải quyết việc làm và tổ chức thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.