Đề xuất thụt lùi
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá sàn đối với vé máy bay nội địa từ 1/11/2021 đến 31/10/2022. Lý giải về việc này, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc đề xuất áp giá sàn đối với vé máy bay tuy trái với thông lệ quốc tế, nhưng có thể “cứu” được Vietnam Airlines, không để hãng hàng không này bị phá sản.
Thực tế trên thế giới đã từng có một số quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện việc áp giá sàn đối với vé máy bay nội địa. Tuy nhiên, sau đó các cơ quan quản lý không thể kiểm soát được giá vé máy bay của các hãng nên đành phải bãi bỏ quy định này. Ấy vậy mà Cục Hàng không Việt Nam với vai trò quản lý nhà nước lại đề xuất thực hiện phương án này.
Điều đáng nói, câu chuyện áp giá sàn vé máy bay nội địa lại không phải là điều có lợi cho hành khách, mà chỉ có lợi cho một vài doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không nhất định. Điều này trái với quy luật phát triển của nền kinh tế thị trường, bởi triệt tiêu cạnh tranh, không đảm bảo chất lượng dịch vụ, quyền lợi người tiêu dùng không được đảm bảo.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều thành phần của nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chứ không chỉ riêng có ngành hàng không chịu tác động tiêu cực. Liệu Nhà nước có thể cùng lúc “cứu” tất cả các ngành với việc áp giá sàn?
Cùng hoạt động kinh doanh vận tải hàng không, cùng phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, cớ sao chỉ có Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn đối vé máy bay nội địa, trong khi các hãng như Vietjet Air, Bamboo Airways lại không muốn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu thực sự áp giá sàn đối với vé máy bay nội địa sẽ là đòn trí mạng giáng thẳng vào nền kinh tế, khiến một số ngành mũi nhọn lập tức bị “hạ đo ván”. Đơn cử như ngành du lịch luôn gắn liền “môi hở, răng lạnh” với ngành hàng không, nếu giá vé máy bay bị các hãng thao túng, đua nhau nâng giá sẽ chẳng có ai đi du lịch.
Hiện, theo thống kê mỗi năm ngành công nghiệp không khói đạt doanh thu tới 35 tỷ USD (trong điều kiện bình thường không có dịch Covid-19), tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 5 triệu người (cả trực tiếp và gián tiếp). Nếu giá vé máy bay nâng cao, ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều người sẽ thất nghiệp, gây hệ lụy về an sinh xã hội.
Ngay cả khi chưa có dịch Covid-19, điều kiện kinh tế còn chưa gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nhưng đã có tới 2/3 lượng hành khách chọn hàng không giá rẻ. Giờ, trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, kinh tế sa sút, khó khăn chồng chất, liệu người tiêu dùng có thể chịu được “cú bồi” áp giá sàn vé máy bay nội địa?
Nguyên tắc hoạt động của nền kinh tế thị trường khác hẳn với nền kinh tế quan liêu bao cấp trước đây. Cơ chế hoạt động động của nền kinh tế thị trường là dựa vào mối quan hệ hai chiều giữa cung và cầu. Khi có sự cạnh tranh về giá, về chất lượng, doanh nghiệp nào có giá rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng, ngược lại sẽ bị tẩy chay dẫn đến phá sản.
Vì thế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước không nên quá cưng chiều Vietnam Airlines, mà nên để doanh nghiệp này năng động “tự bơi” mới có thể thoát ra khỏi hiểm cảnh phá sản. Nếu cứ liên tục “hà hơi tiếp sức” bằng tiền ngân sách, bằng cơ chế ưu đãi riêng, e rằng Vietnam Airlines sẽ chẳng bao giờ lớn nổi. Vì thế, việc đề xuất áp giá sàn đối với vé máy bay nội địa là một đề xuất thụt lùi.