Doanh nghiệp tìm cách tái khởi động

H.Hương 16/09/2021 08:16

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, một số địa phương đã lên phương án từng bước mở cửa nhằm khôi phục lại hoạt động kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp cũng xây dựng các kịch bản, chủ động thích ứng để “sống chung” với dịch đồng thời tái khởi động, đẩy mạnh nhịp sản xuất, kinh doanh cuối năm.  

Thích ứng trong điều kiện mới

Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) khẳng định, bản thân DN luôn cố gắng thích nghi mọi hoàn cảnh để tồn tại, không ai muốn phá sản, thua lỗ. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, DN vẫn luôn phải nỗ lực tìm cách chuyển đổi, tổ chức lại sản xuất, chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, DN cũng cần có thêm những hỗ trợ thiết thực từ cơ quan quản lý để thúc đẩy hoạt động sản xuất như việc cải thiện hơn môi trường kinh doanh, đảm bảo pháp lý cho hoạt động đầu tư cùng những chính sách hỗ trợ thiết thực khác.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, trong bối cảnh này, các DN phải chấp nhận việc sống chung với dịch Covid-19. Điều quan trọng là ứng xử như thế nào cho phù hợp.

Ông Việt cho biết, theo mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, công ty có thể đảm bảo sản xuất, trong khi chi phí lại đội lên gấp 5 lần mà doanh thu giảm 50%. Do vậy, không thể duy trì quá lâu mô hình này. Về thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”, công nhân lại quá khó khăn khi đi qua các chốt kiểm soát.

Vì vậy theo ông Việt, khi Chính phủ giao trách nhiệm cho địa phương thì cũng nên giao trách nhiệm cho DN. Mỗi người dân là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình, tổ chức là một “pháo đài” thì mỗi DN cũng là một “pháo đài” chống dịch. Nếu DN làm tốt, không chỉ duy trì được sản xuất kinh doanh, mà vẫn đảm bảo việc phòng, chống dịch. “Tại thời điểm hiện tại đã cho phép F0 điều trị tại nhà, vậy tại sao không để F0 cũng được điều trị tại đơn vị, tổ chức? Rất nên để F0 chủ động tự điều trị lẫn phòng, chống dịch bệnh” – ông Việt đề xuất.

Từ khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, các chuỗi cung ứng có biểu hiện đứt gãy, nhiều đơn hàng bị chậm lại, thậm chí một số nhà đầu tư có sự tính toán lại thị trường Việt Nam. Do vậy, DN cũng cho rằng, các nhà làm chính sách phải làm sao liên kết, gắn kết lại các DN nhằm đảm bảo giao dịch hàng hoá được thông suốt, kết nối lại cung cầu.

Nói về vấn đề tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa cho rằng, đây chính là điểm gặp nhiều khó khăn nhất hiện nay. Bởi vậy, cần tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa – logistics một cách có hệ thống, có chiến lược. Đây là mắt xích quan trọng nhất để các DN có thể phục hồi và ổn định sản xuất, cũng là vấn đề mà DN mong muốn Chính phủ và các ban ngành liên quan tập trung để quy định có hệ thống, đưa ứng dụng công nghệ vào để giải quyết nhanh chóng, bớt những thủ tục rườm rà không cần thiết từ thông quan tới quá trình vận chuyển.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tái khởi động sản xuất. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Hỗ trợ vaccine là chính sách hữu hiệu nhất

Giới chuyên gia nêu quan điểm, nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục, nhất là tại các thị trường trọng điểm. Ở trong nước, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, tất cả những yếu tố này trở thành điều kiện cần để thích ứng với giai đoạn bình thường mới.

Song cũng phải thừa nhận, kinh tế vẫn rất khó khăn, không phải 100% DN có thể quay trở lại hoạt động, DN cũng không thể hoạt động với năng lực sản xuất như trước.

Giới chuyên gia nhận định, sau 3 đợt giãn cách trên diện rộng, sức khỏe của cộng đồng DN đã suy yếu, DN cần được trợ giúp để hồi sinh, “vaccine” là chính sách hỗ trợ hữu hiệu nhất đối với DN lúc này.

Mới đây nhất, Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ. Trong đó, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh...

Trao đổi với báo chí về kịch bản mở cửa lại nền kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho rằng, đây là đòi hỏi bắt buộc để phục hồi và tăng trưởng. Trước hết, có thể nới lỏng và tổ chức lại hoạt động kinh doanh tại “vùng xanh”, khu vực an toàn, không có F0 trong cộng đồng trong 2, 3 tuần. Những người quay trở lại sản xuất, kinh doanh nên được tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine và kèm theo đó là bảo đảm 5K. Ông Thịnh cũng nhận định, khi nhiều DN trở lại hoạt động bình thường, đặc biệt là những DN lớn có hàng chục nghìn công nhân, lực lượng lao động quay lại làm việc không phải đến từ một vùng, mà có thể đến từ vùng “xanh, vàng, đỏ” nên phải phân loại cẩn trọng, có thể cho những người đến từng vùng nguy cơ cao tạm nghỉ hoặc thực hiện “3 tại chỗ”.

Các chuyên gia kinh tế cũng nêu quan điểm, khi “vùng xanh” tổ chức tốt thì dần dần triển khai đến “vùng vàng”, còn “vùng đỏ” phải làm rất chặt, phải bóc tách bằng được F0. Kịch bản mở cửa trở lại nền kinh tế cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện cẩn trọng từng bước, hài hòa với các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.

Đưa ra khuyến nghị với các DN, ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, các DN cần nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời tăng cường sự chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, DN phải xây dựng chiến lược kinh doanh hậu Covid-19 để kịp thời nắm bắt những cơ hội khi nền kinh tế phục hồi, trong đó có việc tận dụng tốt các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác để khôi phục, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội: Cần gói hỗ trợ đủ lớn chứ không chỉ “cứu trợ”

Để “giải cứu” DN trong tình hình hiện nay, trước tiên cần những giải pháp để DN đỡ khó khăn. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giãn, hoãn thuế.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tiếp tục tái cấu trúc, giãn, hoãn tiến độ trả nợ vốn vay cho các DN. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh thời hạn giãn, hoãn nợ nhưng thời hạn điều chỉnh cần phù hợp với kế hoạch kinh doanh của mỗi khoản vay. Nếu ấn định cụ thể được hoãn mấy tháng có khi DN cũng sẽ không dám vay. Cho nên giãn, hoãn các khoản trả nợ lãi phải theo dòng tiền, tức là theo kế hoạch kinh doanh.

Nếu giãn cách mà dừng tất cả các hoạt động thì DN sẽ rơi vào khủng hoảng. Nên giao cho DN quyền chủ động trong việc thực hiện các biện pháp phòng tránh, tự quyết định dừng hay tiếp tục tổ chức kinh doanh và DN phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh. Khi cho DN chủ động, họ sẽ có trách nhiệm chống dịch và duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, cần khơi thông chuỗi cung ứng vận tải. Đây là vấn đề phải được “mở” cửa đầu tiên. Kể cả tại một số tỉnh có dịch quay trở lại thì chỉ cách ly người dân, các hoạt động tập trung đông người chứ không phải chặn đường đi lại, vận chuyển vì đó là những yếu tố cần thiết để DN hoạt động và phục hồi trở lại.

Về lâu dài, rất cần gói hỗ trợ lớn hơn để tạo động lực cho DN. Tôi cho rằng, những biện pháp hiện tại chỉ giúp DN duy trì tồn tại, còn để DN có được nguồn lực mạnh hơn để tái khởi động sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật, thậm chí thay đổi công nghệ, máy móc thiết bị... rất cần gói hỗ trợ lớn, đủ mạnh của Chính phủ chứ không chỉ đơn thuần là “cứu trợ”.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội: Có loại hàng không thiết yếu nhưng phụ trợ cho hàng thiết yếu

Các chính sách hiện nay về mặt chủ trương tốt, nhưng về thực hiện còn nhiều vấn đề. Các chính sách khi ban hành phải đủ thời gian để người dân, DN thực hiện, đừng thay đổi nhiều quá. Nhà nước có thể kéo dài các chính sách miễn, giảm, giãn hoãn thuế, lãi suất đến cuối 2022 để DN có đủ thời gian hồi phục.

Bên cạnh đó, đã đến lúc các Bộ, ngành nên dừng các quy định “hàng thiết yếu, hàng không thiết yếu”. Vì hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh là một chuỗi. DN sản xuất hàng không thiết yếu là phụ trợ, phục vụ DN sản xuất hàng thiết yếu. Ví dụ máy móc của một DN sản xuất mặt hàng thiết yếu bị hỏng, thì phải cần một kỹ thuật viên của một công ty bảo trì, nhưng kỹ thuật viên lại không được ra đường vì thuộc đối tượng “không thiết yếu”. Hay các DN sản xuất giấy, bao bì là hàng hóa không thiết yếu, nhưng lại phục vụ việc sản xuất các mặt hàng thiết yếu... Tất cả các mặt hàng đều phải cho sản xuất, lưu thông trong phạm vi và có sự kiểm soát của cơ quan quản lý.

H.Vũ -T.Hằng (ghi)

H.Hương