Trao yêu thương sẽ nhận lại yêu thương
Tấm lòng của các nhà tài trợ ủng hộ chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” của Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục được trao tới những người cần. Có đi, có gặp mới thấu hiểu một điều, trong khốn khó, những gì chúng ta làm cho người khác cũng chính là làm cho bản thân mình. Trao yêu thương sẽ nhận lại yêu thương.
Đoàn công tác của Báo Đại Đoàn Kết do Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt dẫn đầu đã tìm đến xóm chạỵ thận ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội - một ngách nhỏ nằm sát đường tàu, song song là đường quốc lộ, ầm ào xe cộ. Nhưng khi thực sự bước vào nơi này, chúng tôi như lặng đi khi phải chứng kiến một “cuộc sống khác” ở bên rìa thành phố, với bao đau đớn, mệt mỏi…
Những món quà thấm đẫm tình người
Từ nhiều năm nay, ngõ nhỏ này là nơi cư ngụ của 19 người bị bệnh thận, phải duy trì sự sống bằng chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp. Ở xóm này, có lẽ người ta không quan tâm nhau là ai, ở đâu mà chỉ cần nhìn vào những u cục nổi lên từ những cánh tay sẽ biết “thâm niên” chạy thận của người đó.
Ông Phạm Văn Hồng - trưởng xóm, là một trong những người như vậy. Sau 18 năm chạy thận, người ông hốc hác, da đen sạm, cánh tay gân guốc nổi lên những u cục. Ngày nào cũng vậy, bất kể lễ tết hay dịch dã, ông đều phải vào viện 3 lần, mỗi lần 3 đến 4 tiếng.
Theo ông Hồng, với những người chạy thận nhân tạo, bên cạnh những nỗi đau do bệnh tật hoành hành, mối lo về kinh tế cũng rất lớn. Dù có bảo hiểm y tế nên nhẹ gánh tiền thuốc nhưng việc đi lại thường xuyên khiến họ khó khăn cả về sức khỏe lẫn tiền bạc, nhất là chi phí cuộc sống gồm cả tiền thuê nhà cũng rơi vào 2,5 triệu đồng/tháng.
Trải qua 4 đợt dịch bệnh, ở xóm chạy thận này ai cũng bày tỏ một nỗi lo lắng bởi họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất vừa có bệnh nền, vừa nghèo khó. Cuộc sống bấp bênh, vá víu nên trong xóm những ai còn trẻ, có tay nghề đều phải tranh thủ vừa chữa bệnh vừa làm thêm để kiếm kế sinh nhai.
Nhưng dịch bệnh xảy ra, giãn cách xã hội ập đến, tất cả đều phải trông chờ vào cứu trợ. Có điều không phải ai cũng biết về nơi này, do ở cách khá xa trung tâm thành phố, hơn nữa lo sợ dịch bệnh nên họa hoằn mới có đoàn cứu trợ tìm đến, mọi người trong xóm đành nương tựa vào nhau qua những ngày gian khó.
Khi biết có đoàn cứu trợ từ Báo Đại Đoàn Kết đến, ông Hồng mừng lắm, hồ hởi gọi từng người ra nhận quà. Nhận xong phần quà, bà Trương Thị Lê bày tỏ lời cảm ơn với chúng tôi, rồi nhìn vào gói đồ gồm gạo, nước nắm, dầu ăn, bột ngọt, cộng với tiền mặt và phiếu mua hàng, nhẩm tính, với từng này đồ, hai mẹ con bà có thể duy trì cuộc sống trong vòng 10 ngày tới nửa tháng.
Bà Lê cũng là một trường hợp đặc biệt của xóm bởi hoàn cảnh cả 2 mẹ con đều phải chạy thận, riêng bà đã “chạy ròng rã gần 8 năm trời”. “Từ ngày Hà Nội giãn cách tới nay, các nhóm thiện nguyện cũng ít dần nên khi có thông tin về việc đoàn hỗ trợ của Báo Đại Đoàn Kết, tôi đã đợi từ sớm để nhận quà” - bà Lê chia sẻ với chúng tôi.
Theo sự hướng dẫn của ông Hồng, chúng tôi lại tiếp tục di chuyển tới một số điểm khác để tiện trao quà cho những bà con đang chạy thận trong bệnh viện tìm đến.
Có những lúc đoàn dừng lại bên đường để chờ người đến, có những khi lại tìm vào từng ngõ nhỏ sát Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp. Ở đây đều có những hàng rào tạo “vùng xanh” cho nên người trao và người nhận phải đứng với qua hàng rào. Dù không rõ mặt qua lớp khẩu trang, nhưng tất cả đều cảm thấy ấm áp...
Bởi trong gian khó, những món quà nhỏ bé thấm đẫm tình người đã được trao đi mang theo niềm hạnh phúc cho người thực sự cần. Họ không cô đơn mà luôn có sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của những tấm lòng hảo tâm, thông qua chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”. Đây chính là động lực để những bệnh nhân chạy thận hướng về những điều tốt đẹp, đồng hành cùng nhau để chiến đấu với bệnh tật dẫu chặng đường phía trước sẽ còn nhiều nỗi đau và vất vả.
Song song với việc thực hiện 10.000 suất cơm cho người nghèo, người vô gia cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, hành trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” tiếp tục tìm đến, thông qua Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện K Tân Triều để trao 50 phần quà hỗ trợ (gồm mì tôm, tiền mặt) cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại đây và trao những túi quà an sinh (mì tôm, gạo, nước mắm, xì dầu, dầu ăn, bột ngọt) cho 102 người có hoàn cảnh khó khăn và công nhân xây dựng đang bị “mắc kẹt” tại phường Hoàng Liệt và Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai).
Chia sẻ là gửi lòng tốt vào “ngân hàng” cuộc đời
Theo bà Lê Thị Thanh Ngà, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt, đợt dịch thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế như công nhân, người lao động, sinh viên bị mắc kẹt trên địa bàn phường. Chính vì vậy, sự quan tâm, hỗ trợ của Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” của Báo Đại Đoàn Kết là nguồn động viên tinh thần to lớn cho người dân, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chăm lo đến từng bữa ăn của người dân, không để ai bị đói, thiếu bữa.
Đảm bảo an sinh cho người dân, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, khó khăn mà không được trợ giúp cũng chính là mục đích của Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” hướng tới như mong muốn và chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho biết, “chương trình Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid 19” do Báo Đại Đoàn Kết phát động, thực hiện đã đi được một đoạn đường.
“Càng đi chúng tôi càng chứng kiến nhiều mảnh đời éo le cần chia sẻ và càng thấy sự san bớt khó khăn cho những phận đời éo le không nên là chuyện của tổ nhóm nào, mà cần lan tỏa trong xã hội để làm sáng lên tinh thần tương thân tương ái: người giàu chia sẻ với người nghèo, người khỏe mạnh giúp đỡ người bệnh tật. Đó là điều mà Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid 19” hướng tới để có được sự tham gia ngày càng đông đảo của bạn đọc, nhà hảo tâm” - nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ.
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong bài hát “Để gió cuốn đi” đã nói về lòng tốt, sự chia sẻ ở đời này qua câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/Để làm gì em biết không?/Để gió cuốn đi…”. Nhà thơ Trần Nhuận Minh trong bài thơ “Dặn con” nhắn nhủ phải đối xử tốt với người ăn xin khi họ đến nhà mình, đã đúc kết như một lời răn dạy: “Lòng tốt gửi vào thiên hạ/Biết đâu nuôi bố sau này”.
“Rất may mắn chúng ta khỏe mạnh, có của ăn của để hơn người, chia sẻ là gửi lòng tốt vào “ngân hàng” cuộc đời. Trong đời sống vô thường này, biết đâu có một ngày sa cơ lỡ vận, ốm đau hay gặp khó khăn hoạn nạn, khi đó lấy gì để cứu mình, chỉ có lòng tốt của chính mình đã cho đi một cách vô điều kiện sẽ cứu cuộc đời mình. Trong triết lý nhà Phật cũng như qua kinh nghiệm của cha ông ta bao đời đã khẳng định: Giúp người là giúp mình, cứu nguời là cứu mình, cho người khác cơ hội là cho mình con đường sống… Bằng tất cả tấm lòng, chúng tôi mong nhận được sự hưởng ứng để chương trình này chăm lo tốt hơn cho người yếu thế” - nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định.
Mọi sự ủng hộ xin gửi về: Toà soạn Báo Đại Đoàn Kết 66 Bà Triệu, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Đường dây nóng tiếp nhận hiện vật: 0988185528. Tài khoản tiếp nhận: 112000132970, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam- Chi nhánh TP Hà Nội. Chủ tài khoản: Báo Đại Đoàn Kết. Danh sách tổ chức, cá nhân ủng hộ sẽ được công khai trên Báo Đại Đoàn Kết. Chúng tôi cam kết sử dụng kịp thời, đúng mục đích, công khai, minh bạch các nguồn lực đã kêu gọi ủng hộ từ quý đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.