Nhiều mô hình hoạt động của doanh nghiệp thay đổi để thích ứng trong và sau đại dịch
Đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp phải thay đổi, áp dụng các bài học kinh nghiệm từ không gian tri thức được gia tốc nhằm thích ứng, vượt qua sự gián đoạn trong và sau đại dịch.
Trong lúc này, phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên số một, song việc dự kiến các kịch bản, giải pháp để nền kinh tế phục hồi, sẵn sàng đón cơ hội tăng tốc phát triển sau khi dịch bệnh được khống chế cũng rất cần thiết. Theo các chuyên gia, thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ, là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới.
Thay đổi mô hình hoạt động kinh doanh
Phát triển ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử: Do mức độ lây lan, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tính tiện lợi từ việc giao-đặt hàng online, các dịch vụ mua bán hàng hóa không tiếp xúc gia tăng mạnh. Theo đó, để thích ứng với tình hình mới, một số ngành công nghệ và dịch vụ chuyên nghiệp đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại.
Các chuyên gia cũng cho rằng, xét ở nhiều góc độ, không chỉ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, số người tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng còn do thế hệ Z - thế hệ được sinh ra sau khi internet trở nên phổ biến rộng rãi, được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ - đang dần trở thành lực lượng dân số chính hiện nay. Vì vậy, ứng dụng công nghệ số trong chi tiêu, mua sắm là xu hướng tất yếu của những người tiêu dùng trẻ hiện đại.
Kinh doanh có ý thức: Kết quả cuộc khảo sát được thực hiện bởi Accenture PLC - một công ty trong Fortune Global 500 - vào tháng 4/2020 cũng cho thấy, 60% người tiêu dùng muốn mua hàng thân thiện với môi trường. Sử dụng ít nhựa hơn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng trước Covid-19, nhưng hiện nay là những lo ngại về biến đổi khí hậu kèm theo môi trường sống.
Theo đó, người tiêu dùng thiện cảm nhiều hơn đối với các thương hiệu có tinh thần trách nhiệm, có thể giúp làm cho thế giới sạch hơn. Chính vì vậy, giới chuyên gia nhận định, doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm, tác động tiêu cực đến môi trường, phân phối các sản phẩm có “nhãn xanh” thân thiện môi trường đến tay người tiêu dùng.
Ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong phân phối: Vận chuyển hàng hóa Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm dịch vụ khách hàng và gây ra sự chậm trễ giao hàng. Đồng thời, người tiêu dùng hiện đại cũng nâng cao kỳ vọng, trở thành tiêu chuẩn trong nhu cầu chi tiêu, tạo ra áp lực mới cho các doanh nghiệp. Do đó, ngay cả những doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hậu cần, logistics cũng cần thay đổi mô hình kinh doanh. Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và tự động hóa đang được tích hợp vào mạng cung cấp kỹ thuật số, tích hợp dữ liệu và thông tin từ các nguồn khác nhau để thúc đẩy phân phối hàng hóa sản xuất dọc theo chuỗi giá trị.
Doanh nghiệp thích ứng trong và sau đại dịch
Các ngành công nghiệp hoạt động từ xa: Hoạt động từ xa là thách thức đối với các doanh nghiệp công nghiệp. Nhân viên tuyến đầu không có quyền truy cập vào các công cụ giống như nhân viên bàn giấy, tạo ra một sự ngăn cách giữa khối văn phòng và cửa hàng. Các ngành công nghiệp hiện đang khám phá cách họ có thể áp dụng các bài học kinh nghiệm từ không gian tri thức, được gia tốc bằng cách vượt qua sự gián đoạn do Covid-19.
Lao động tri thức được trang bị văn hóa an toàn: Một điều mà các doanh nghiệp công nghiệp biết rõ nhất là an toàn. Những môi trường này vốn nguy hiểm hơn văn phòng, đòi hỏi phải có văn hóa giao tiếp, chính sách và chương trình đào tạo để giữ cho người lao động an toàn và làm việc hiệu quả.
Bên cạnh đó, văn phòng là nơi hoạt động chủ yếu của lao động tri thức như kế toán và lập trình viên. Những lao động đó đảm nhiệm những công việc đòi hỏi kỹ năng tư duy nhiều hơn so với lao động chân tay. Giữa các quy định mới về sức khỏe Covid-19 và mối quan ngại ngày càng tăng của nhân viên, các văn phòng cần nhanh chóng thấm nhuần văn hóa an toàn song song với nỗ lực trở lại làm việc của mình.
Được biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bắt kịp xu hướng tiêu dùng và kinh doanh hiệu quả, Thủ tướng đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ưu tiên các ngành nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp. Đồng thời, trên cơ sở tổng kết các kết quả đạt được trong giai đoạn trước, rà soát, đánh giá hiện trạng, nhu cầu phát triển thương mại điện tử giai đoạn tới, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề xuất xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và được Chính phủ thông qua tại Quyết định số 645/ QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 (Quyết định số 645/QĐ-TTg).
Mục tiêu của Kế hoạch là đưa thương mại điện tử trở thành một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.