Kiểm duyệt nội dung phim chiếu mạng: Mới chỉ dừng ở… dự thảo
Do không chịu sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng trước khi "tung" lên các nền tảng mạng xã hội nên không ít phim chiếu mạng có nội dung thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm luật, lợi dụng các hình ảnh bạo lực, khiêu dâm để câu view.
Nở rộ thể loại phim chiếu mạng
Phim chiếu trên mạng (web drama) là thuật ngữ không còn xa lạ trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến những người hâm mộ "nghệ thuật thứ 7" không thể đến rạp thưởng thức phim theo cách truyền thống mà phải lựa chọn các nền tảng trực tuyến để thỏa mãn đam mê.
Vì vậy, web drama đã trở thành lựa chọn của rất nhiều người bởi sự tiện lợi, đa dạng trong nội dung và thậm chí là cả việc tiết kiệm về mặt tiền bạc.
Mấy năm gần đây, web drama Việt tràn ngập những bộ phim về tâm linh, giang hồ, hotgirl, những cô gái làng chơi...
Khai thác đề tài " xã hội đen", một số web drama như: Thập Tam Muội, Tay buôn, buông tay?, Chết thì chịu, Người trong giang hồ… nhận được lượt xem vô cùng "khủng" trên một số nền tảng mạng xã hội, từ vài triệu cho đến vài chục triệu lượt xem bởi sự đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng và công phu trong chất lượng hình ảnh, bối cảnh, phục trang, kỹ xảo cùng những màn giao đấu, những pha hành động đẹp mắt.
Bên cạnh đó, việc hàng loạt nghệ sĩ trở thành nhà sản xuất, tự bỏ tiền đầu tư làm phim chiếu mạng “cho bằng bạn bằng bè” cũng khiến cho thị trường phim chiếu mạng được "đà" phát triển.
Ngoài yếu tố về quảng cáo và lợi nhuận, phim chiếu mạng còn là cách thức nhanh chóng và hiệu quả để tăng sức hút với khán giả, khẳng định tên tuổi và thỏa mãn cái "tôi" sáng tạo nghệ thuật.
Web drama "hot" là thế nhưng bên cạnh những bộ phim được đầu tư công phu, nội dung chất lượng tốt thì có cũng nhan nhản các phim “câu khách” với nội dung nhảm nhí, tục tĩu, thiếu lành mạnh, lạm dụng các yếu tố bạo lực, phản cảm, thậm chí chứa đựng nội dung xuyên tạc về chủ quyền, lịch sử Việt Nam, vi phạm pháp luật...,
Có phim vi phạm quy định về quảng cáo rượu bia khi quay cận cảnh, rõ nhãn hiệu trong thời gian tương đối dài, trong khi đó, việc quảng cáo bia rượu trong các sản phẩm văn hóa, giải trí là vi phạm luật hiện hành.
Bên cạnh đó, một số phim chiếu mạng có nội dung nhạy cảm, không hợp thuần phong mỹ tục, bị dán nhãn cảnh báo "cho có" như Gái ngàn đô; hoặc thậm chí một số phim điện ảnh khi đưa lên chiếu trên mạng, ngang nhiên sử dụng những cảnh đã bị Hội đồng duyệt phim quốc gia yêu cầu cắt bỏ khi ra rạp như Thất sơn tâm linh...
Việc các nhà làm phim sản xuất và tung lên môi trường mạng sản phẩm phi nghệ thuật, nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục, vi phạm các nguyên tắc đạo đức, văn hóa đã gây ra hậu quả không nhỏ và ảnh hưởng xấu đến nhận thức, tâm lý người xem.
Chính vì vậy, câu chuyện quản lý các phim chiếu trên mạng như thế nào cả về nội dung cũng như chất lượng đang là vấn đề được dư luận vô cùng quan tâm.
Cần siết chặt quản lý
Do chưa có quy định cụ thể trong kiểm duyệt, nên rất ít phim chiếu trên mạng tại Việt Nam thực hiện phân loại khán giả, dán nhãn các lứa tuổi phù hợp
Trong khi phim chiếu rạp chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT&DL, phim truyền hình chịu sự kiểm duyệt của các đài truyền hình, thì phim chiếu trên mạng gần như không chịu một sự kiểm soát nào.
Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2009) mới chỉ đề cập tương đối hạn chế và có phần còn sơ sài về việc khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet.
Các vụ việc liên quan phim chiếu trên mạng có biểu hiện vi phạm pháp luật được xử lý hầu hết đều từ sự lên tiếng của dư luận.
Việc xử lý còn "manh mún", chạy theo từng sự vụ và phản hồi của dư luận cho thấy những quy định đối với dòng phim chiếu mạng còn lỏng lẻo và bộc lộ nhiều bất cập.
Chính sự buông lỏng quản lý đối với mảng web drama đã gây ra không ít hệ lụy đối với nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của người dân.
Hơn nữa, việc xử lý của cơ quan chức năng hiện nay mới chỉ dừng ở các nền tảng chiếu phim tại Việt Nam, còn phim được cung cấp trên các nền tảng xuyên biên giới, có máy chủ ở nước ngoài thì rất khó để can thiệp.
Một thực tế nữa cần nhấn mạnh, hiện nay có không ít đơn vị sản xuất xác định rõ phim làm ra chỉ để chiếu trên nền tảng công nghệ, không phát hành ra rạp. Chính vì không phải chịu áp lực từ phía cơ quan quản lý, những đơn vị này "thỏa thuê" nhồi nhét các ý tưởng, nội dung theo ý của mình và cả việc quảng cáo thu về lợi nhuận.
Theo một số chuyên gia, việc trông chờ vào ý thức về phim "sạch" chuẩn chỉ với đề tài tích cực của các đơn vị sản xuất web drama là rất khó, bởi quan điểm của mỗi người thế nào là đúng, là đủ, là giới hạn,..đều khác nhau.
Bởi vậy, vấn đề cần thiết lúc này là phải nhanh chóng hoàn thiện các quy định mang tính pháp lý, tạo ra cơ chế phân loại và kiểm duyệt chặt chẽ cho các phim sản xuất chiếu mạng cũng như sự cam kết, chịu trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh phim chiếu trên mạng.
Thời gian qua, Cục Điện ảnh đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) để sớm trình Quốc hội thông qua (dự kiến vào tháng 10/2021), trong đó đã có rất nhiều ý kiến nhấn mạnh vấn đề kiểm soát phim chiếu trên mạng. Nhiều chuyên gia đã đưa ra các phương án bổ sung vào Điều 19 của Dự thảo về phổ biến phim trên không gian mạng.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng Văn phòng luật Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc đề xuất, điều chỉnh các điều khoản chặt chẽ trong Luật Điện ảnh và quy định pháp luật liên quan nhằm quản lý phim chiếu trên mạng là cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hiện nay.
Cần sớm có quy định để đưa hoạt động sản xuất, phổ biến phim trên môi trường mạng vào các chế tài pháp lý. Từ đó đảm bảo nội dung được lan truyền sẽ không vi phạm quy định pháp luật hay gây tác động tiêu cực đến nhận thức của khán giả, đặc biệt là giới trẻ- bộ phận chịu "ảnh hưởng" từ các nền tảng mạng xã hội nhiều nhất hiện nay. Việc làm này cũng tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình phim.
Luật sư Tiền cũng cho rằng, các quy định cần phải chi tiết, chặt chẽ, không tạo ra các kẽ hở để một số đơn vị lạm dụng quảng cáo, trốn thuế hay đưa những nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục vào phim.