Học sinh tại 3 quận, huyện của TP HCM được đề xuất đi học trở lại
Chiều 16/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM tiếp tục tổ chức họp báo để thông tin về tình hình dịch trong 24 giờ qua trên địa bàn thành phố.
Đảm bảo an toàn khi học sinh đi học
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP HCM cho biết, ngành giáo dục thành phố đã triển khai học trực tuyến 10 ngày. Riêng số học sinh khó khăn về thiết bị, đường truyền cũng như gặp khó khăn khi học trực tuyến được ghi nhận vào khoảng 40.000 trường hợp.
Cũng theo đại diện Sở GDĐT TPHCM, thời gian qua, ngành giáo dục thành phố đã nỗ lực để đảm bảo học sinh dừng đến trường nhưng không dừng học tập. Nhiều chương trình đã được thực hiện để hỗ trợ học sinh trang thiết bị tối thiểu cho học trực tuyến.
Riêng tại 3 quận, huyện gồm quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ đã kiểm soát được dịch và trong điều kiện đảm bảo được an toàn sẽ được Sở đề xuất cho phép triển khai giáo dục trực tiếp cho học sinh để giúp các em tiếp cận chương trình tốt nhất. Hiện Sở này đã trình bộ tiêu chí và đang chờ UBND TP.HCM phê duyệt.
Đối với học sinh đã về quê tránh dịch, vẫn tiếp tục được tạo điều kiện học trực tuyến. Đối với vấn đề học sinh TP HCM đã về các tỉnh tránh dịch và hiện chưa thể về thành phố học, ông Nguyễn Trí Dũng cho biết, phụ huynh có thể liên hệ với Sở GDĐT các tỉnh để học trực tiếp tại địa phương; hoặc tiếp tục học trực tuyến với các đơn vị trường học tại TP HCM. Khi học sinh về TP HCM, Sở GDĐT TP HCM vẫn sẽ sẵn sàng nhận lại các em để học trực tiếp hoặc trực tuyến khi có điều kiện cụ thể.
Quản lý nguy cơ lây từ shipper
Với việc cho phép hàng chục ngàn shipper hoạt động giao hàng liên quận, huyện và TP Thủ Đức, TP HCM cũng đánh giá nguy cơ lây nhiễm cao từ đối tượng nghề nghiệp này nếu không có các biện pháp an toàn đi kèm.
Về vấn đề này, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP HCM cho biết, theo kế hoạch Công an TP quy định một số biện pháp kiểm soát đối với lực lượng lưu thông trên đường. Trong đó, shipper được kiểm soát thông qua nhận diện, đặc điểm, trang phục, thẻ, đơn hàng, băng tay.
Cũng theo Thượng tá Lê Mạnh Hạ, shipper buộc phải khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an, đồng thời có giấy xét nghiệm âm tính trong 2 ngày để được lưu thông. Hiện, Sở Công Thương TP HCM đã gửi Công an TP danh sách shipper đăng ký hoạt động. Từ đó, công an sẽ cập nhật vào phần mềm VN-eID để kiểm soát nhóm lao động này.
Riêng nhân viên giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp hoạt động trong quận, huyện phải theo chỉ đạo UBND TP HCM. Đồng thời, phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.
Giảm số ca tử vong
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống dịch TP HCM cho biết, tín hiệu rất khả quan là số ca tử vong do Covid-19 đang giảm rõ rệt từng ngày.
Cụ thể, ngày 15/9 số ca tử vong đã giảm sâu xuống còn 160 trường hợp tử vong trong ngày. Tổng số tử vong cộng dồn từ đầu năm đến nay tại thành phố là 12.768.
Hiện thành phố đang điều trị 41.297 bệnh nhân, trong đó có 2.967 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.544 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Theo ông Phạm Đức Hải, việc giảm được số ca tử vong do Covid-19 đã thể hiện các nỗ lực rất lớn của TP HCM trong phòng chống dịch trên mọi mặt trận. Đó là, các giải pháp từ khoanh vùng nguy cơ, xét nghiệm bóc tách F0, tăng cường điều trị F0 tại nhà với sự hỗ trợ chuyên môn từ các trạm y tế lưu động và sử dụng thuốc kháng virus.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM cũng dự báo, tình hình lây lan sẽ có xu hướng giảm, số ca tử vong sẽ tiếp tục giảm sâu khi các giải pháp phòng chống dịch của thành phố đang được thực hiện chặt chẽ trên nhiều mặt trận.
Vấn đề đau đầu hiện nay của TP HCM là chưa giảm được chỉ tiêu về ca nhiễm mới, cũng là một tiêu chí khiến TP HCM phải gia hạn thêm 2 tuần giãn cách xã hội.
Tại buổi họp báo, Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó GĐ Sở Y tế TP HCM cho biết, hiện trung bình mỗi ngày số ca bệnh đang dao động từ 4.000 - 6.000 ca. Thành phố vẫn đang tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm ở các vùng nguy cơ để nỗ lực bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Song song đó, việc tiêm vắc xin sẽ quyết tâm cao nhất để đạt mục tiêu trong 2 tuần giãn cách xã hội. Hiện tổng số mũi vắc xin đã triển khai là 8.452.609, trong đó tổng số mũi 1 là 6.667.018, mũi 2 là 1.785.591. Thành phố đang tiếp tục chiến dịch vắc xin để sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng và tiếp tục nới lỏng giãn cách sau thời điểm 30/9.
Cũng theo ông Nguyễn Hoài Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay là chỉ tiêu về mũi 2. Lý do, mỗi loại vaccine có thời gian tiêm 2 mũi khác nhau. Đa số dao động 3-4 tuần, riêng AstraZeneca là 8-12 tuần. Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn cho thấy trong tình huống đặc biệt có thể rút ngắn thời gian tiêm của mũi 2 AstraZeneca xuống 6 tuần.
Đề xuất rút ngắn thời gian tiêm của 2 mũi AstraZeneca cũng sẽ giúp TP HCM nhanh chóng phủ mũi 2 để đáp ứng miễn dịch nhanh nhất trong hai tuần giãn cách xã hội.
Đáng chú ý, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam cũng thông tin, hiện nay TP HCM đang nhờ các chuyên gia tính toán, tham mưu để hoàn thiện về bộ tiêu chí. "Trong thời gian gần nhất, khi có đầy đủ thông tin và góp ý, Sở Y tế TP HCM sẽ thông tin đến báo chí", ông Nam nói.