Nhiều hàng quán lo vắng khách

Đức Trân - Phạm Sỹ 17/09/2021 08:09

Từ 12h ngày 16/9, nhiều quận huyện trên địa bàn Hà Nội đã chính thức được hoạt động một số cơ sở kinh doanh, trong đó có dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h). Vui được mở cửa hoạt động trở lại, nhưng nhiều chủ quán lại lo ế ẩm vì người dân chưa thể trở lại thói quen như trước khi thực hiện giãn cách.

19 quận, huyện tại Hà Nội không ghi nhận ca mắc cộng đồng từ ngày 6/9 đến nay, gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa và Tây Hồ được mở cửa bán hàng mang về.

7h sáng ngày 16/9, chị Dương Ánh Thủy, chủ quán phở bò tại đường Văn Cao, quận Ba Đình cùng gia đình tất bật chuẩn bị mọi công đoạn để mở cửa bán mang về vào 12 giờ trưa.

“Chúng tôi biết thông tin dịch vụ ăn uống được mở cửa trở lại khi xem tivi, từ khi biết tin đến giờ, cả gia đình đều đang bận rộn chuẩn bị buôn bán trở lại. Mừng lắm, vui không tả được. Thú thực, thời gian qua chúng tôi buồn lắm, một phần vì cả gia đình đều dựa vào nguồn thu từ quán phở để chi trả sinh hoạt cuộc sống, một phần vì mình bận rộn quen rồi, ra vào nấu ăn, phục vụ khách hàng quen rồi, cũng biết phải chấp hành để phòng, chống dịch nhưng ở nhà mãi rất buồn” - chị Thủy cho biết.

Nói về các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như bản thân, chị Thủy chia sẻ: “Chúng tôi chăng dây trước cửa hàng, khách đến mua mang về sẽ đứng ngoài để đảm bảo an toàn phòng dịch. Mặc dù tất cả nhân viên của quán đều đã được tiêm vaccine Covid-19 nhưng quan điểm của tôi là phải nghiêm ngặt chấp hành quy định của thành phố. Mình phải bảo vệ an toàn thì cuộc sống mới nhanh được trở lại bình thường”.

Cũng mang tâm lý vui mừng khi được buôn bán trở lại, nhưng vợ chồng chị Bằng Thị Hương, chủ quán bún tại đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ buồn bã nói: “Sáng nay chúng tôi ra quán từ sớm để chuẩn bị bán hàng trở lại, nhưng quán đóng cửa lâu quá, đồ đạc để ở đây bị hỏng hết, điện không còn hoạt động, bếp cũng hỏng nên phải chờ thợ tới sửa, có lẽ không thể bán ngay từ trưa nay được”.

Trong trạng thái “nửa mừng nửa lo”, chị Hương cho hay: “Vui thì đương nhiên là rất vui, không có niềm vui nào hơn nữa, nhưng cũng rất lo, không biết bán có đắt khách không, trong khi đó khi mở cửa trở lại thì tiền thuê nhà đương nhiên cần phải trả”.

Tại quán cafe trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Phạm Ngọc Ánh, sinh viên đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, cô rất vui khi dịch vụ ăn uống được mở cửa trở lại, dù chỉ bán mang về và đóng cửa sau 21 giờ hàng ngày.

“Em nghĩ rằng, đây là dấu hiệu cho thấy thành phố đang dần an toàn trở lại. Đối với sinh viên chúng em, lại có thể được đi làm thêm để chi trả cho cuộc sống” - Ngọc Ánh nói.

Chuẩn bị mở lại cửa hàng tại đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, sáng 16/9. Ảnh: P.Sỹ.

Ngoài dịch vụ ăn uống, tại văn bản số 3084/UBND-KGVX, thành phố còn cho phép cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng được hoạt động trở lại.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, 35 tuổi, chủ tiệm sửa xe tại đường Ngô Văn Quảng, huyện Gia Lâm cho hay: “Được mở cửa trở lại, tôi rất phấn khởi và vui mừng. Những tháng vừa qua, kinh tế gia đình tôi suy sụp vì không có nguồn thu, may mắn cũng được chủ nhà hỗ trợ giảm bớt tiền thuê cửa hàng và có số tiền tích lũy từ trước. Chỉ mong sao dịch bệnh sẽ được đẩy lùi để chúng tôi được ổn định cuộc sống”.

Được biết, ngoài đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định như khai báo y tế bắt buộc đối với nhân viên, thực hiện 5K và được quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải tạo điểm quét QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.

Cụ thể, để đăng ký mã QR, chủ địa điểm cần truy cập trang web https://qr.tokhaiyte.vn, chọn mục “Đăng ký địa điểm” và nhập đầy đủ thông tin về địa điểm cần đăng ký. Sau khi điền mã OTP, chủ cơ sở sẽ nhìn thấy giao diện có mã QR.

Trong quá trình mở cửa kinh doanh, chủ địa điểm có trách nhiệm yêu cầu khách ra vào xuất trình mã QR của mình để quét, ghi nhận lượt vào ra. Mã QR có thể hiện trực tiếp trên điện thoại, in ra giấy hoạc là mã của thẻ Bảo hiểm y tế.

Sau khi quét thành công, màn hình sẽ hiện ra thông tin của người ra vào gồm tên viết tắt và tình trạng khai báo y tế.

Hà Nội triển khai mô hình trạm y tế lưu động

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3087, về triển khai mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, UBND thành phố giao Sở Y tế Hà Nội (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố) hướng dẫn chuyên môn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát trong việc triển khai thực hiện mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19 tại các quận, huyện, thị xã.

UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm rà soát cơ sở vật chất, nhân lực, danh mục trang thiết bị, thuốc… để xây dựng phương án, tổ chức triển khai trạm y tế lưu động trên địa bàn theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số 4042 ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu và đưa dịch vụ y tế gần nhất đến với người dân.

PV

Đức Trân - Phạm Sỹ