Một mùa khai giảng đặc biệt

GS Nguyễn Lân Dũng 13/09/2021 09:00

Cả nước vừa chứng kiến một mùa khai giảng đặc biệt: trực tuyến và trực tiếp trên truyền hình. Chỉ có rất ít trường khai giảng tập trung với số lượng rất ít đại diện học sinh và thầy cô giáo.

Trời lại mưa ở nhiều nơi nên quang cảnh ngày khai trường với áo mưa và những chiếc ô càng thêm khác lạ. Nhưng tiếng trống khai trường qua đài truyền hình vẫn rộn rã làm cho trái tim mọi người bỗng nhớ lại không khí tưng bừng của những ngày khai trường trước đây.

Thế hệ chúng tôi đón ngày khai trường từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Hồi đó trên Việt Bắc các trường vẫn khai giảng cùng một ngày. Vẫn rộn ràng tiếng trống trường và sự nhộn nhịp của ngày tựu trường giữa thầy và trò. Có khác chăng là những cuốn vở tự đóng, tự bọc bằng giấy báo, tự làm nhãn vở và nhất là tự kẻ dòng bằng thước kẻ và bút chì. Chúng tôi vẫn vui vẻ học hành và trưởng thành dần lên theo năm tháng.

Hôm nay đến lượt bốn đứa cháu nội ngoại của chúng tôi khai giảng trong hình thức online. Nhìn đứa cháu ngoại học lớp ba đứng nghiêm trang một tay đưa lên ngực để chào cờ, thấy cảm động quá. Các cháu nghiêm chỉnh hát quốc ca với tất cả sự hồn nhiên của tuổi trẻ. Các cháu được nghe những lời căn dặn ấm áp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Như lịch sử đã chứng minh, không có thách thức nào có thể vượt cao hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí phấn đấu, quyết tâm mài dùi kinh sử, chinh phục tri thức để làm dạng danh tiên tổ, để phụng sự đất nước của dân tộc Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm văn hiến”.

Thế hệ chúng tôi trong ngày khai trường thường được nghe lời căn dặn của Bác Hồ trong thư Người gửi học sinh vào tháng 9 năm 1945: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Hôm nay ở tuổi 84, với tôi ngày khai trường bất giác khiến tôi nhớ lại khuôn mặt của từng thầy cô giáo mà hôm nay tất thẩy đều đã về chốn vĩnh hằng. Từ thầy Ngạn, cô Xuân ở bậc tiểu học, thầy Tụy, thầy Mai ở bậc trung học; đến thầy Tiến, thầy Thời ở bậc đại học… Mỗi thầy, mỗi cô đều gắn với tâm trí tôi không chỉ ở kiến thức mà nhờ đó tôi có thể tự học thêm, mới có thể giảng dạy và nghiên cứu ở bậc đại học, mà còn là hình ảnh mẫu mực và lòng yêu thương học trò của từng thầy, cô. Tục ngữ Việt Nam có câu “Không thầy đố mày làm nên” thật quá đúng. Thật không sai, từ những bài giảng của thầy Mai khiến tôi có thể viết đúng từng câu văn và hàng tuần không thể thiếu được nhu cầu đọc từng trang báo Văn nghệ. Thầy Khang, thầy Thảo giúp tôi mãi về sau vẫn giữ được tình yêu với kiến thức lịch sử, địa lý mà không có cơ hội để được học thêm trong đời…

Với kinh nghiệm của bản thân và với lòng yêu thương lớp trẻ, tôi mong muốn chia sẻ tình cảm của mình bằng việc mỗi tuần tóm tắt một cuốn sách về kỹ năng sống và gửi đăng trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam và in thành những tập sách nhỏ. Tuần này đã in đến bài thứ 153 trên báo. Tôi tự thấy là liệu mình có trưởng thành được hay không, có xứng đáng được với lòng tin yêu của bố mẹ và các thầy cô hay không, không có cách nào khác là tự bản thân phải nhìn rõ con người mình, mục tiêu của đời mình để không ngừng rèn luyện và phấn đấu. Tương lai mỗi người chính là niềm hy vọng của cha mẹ và từng thầy cô giáo đã dạy dỗ mình. Không có số phận nào tự nhiên được an bài, không có hoàn cảnh nào ngăn cản bước đi của đời mình. Nghĩ đến sự mong mỏi của bố mẹ, thầy cô, không có cách nào khác là phải tự mình xác định tương lai, tự mình xây dựng từng mục tiêu và quyết vượt qua mọi khó khăn để vươn tới bằng được mục tiêu ấy.

Hàng năm, tiếng trống khai trường nhắc nhở mỗi chúng ta nghĩ đến công ơn của bố mẹ, thầy cô và tự nhắc nhở mình sống sao cho xứng với công ơn và niềm hy vọng của các bậc sinh thành và các thầy cô giáo mà mình từng được yêu thương và tin cậy. Tương lai của mỗi người không thể quyết định bởi hoàn cảnh, mà quyết định bởi niềm tin và lòng quyết tâm vượt lên số phận để đạt đến những mục tiêu mà mình tự đặt ra và cũng là phù hợp với lòng tin yêu của bố mẹ, thầy cô.

Đại dịch Covid-19 rồi sẽ khép lại, học sinh, sinh viên lại có thể tiếp tục hân hoan đến trường. Nhưng việc học hành không thể ngừng lại.Với tiến bộ của thời đại số hóa, mỗi học sinh, sinh viên nếu giữ được lòng cầu tiến và sự tự giác phấn đấu thì không khó khăn nào không thể vượt qua, và năm học này vẫn có thể trải qua một cách thành công, để thế hệ trẻ có thể đáp ứng được lòng mong mỏi của Bác Hồ vô cùng kính yêu. Đó là “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

GS Nguyễn Lân Dũng