Đề xuất áp giá sàn vé máy bay: Thiếu tư duy thị trường

Thúy Hằng 17/09/2021 05:14

Để bù lại những khó khăn của ngành Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất áp dụng mức giá tối thiểu trong khung giá vé máy bay nội địa. Điều này có thể hiểu, mức giá 0 đồng lâu nay người dân thường “săn” sẽ bị loại bỏ nếu như đề xuất được thông qua. Dư luận cho rằng, đề xuất này sẽ làm triệt tiêu tính cạnh tranh trên thị trường.

Giải pháp tình huống nhưng ngược thị trường

Trong công văn Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc xây dựng Dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 1/11/ 2021 đến hết ngày 31/10/2022, Cục đề xuất áp dụng chính sách mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định.

Nếu đề xuất này được thông qua, thì mức giá tối thiểu tại nhóm đường bay dưới 500 km là 340.000 đồng, trong đó các đường bay phát triển kinh tế-xã hội là 320.000 đồng; từ 500 km đến dưới 850 km là 440.000 đồng; từ 850 km đến dưới 1.000 km là 560.000 đồng; từ 1.000 km đến dưới 1.280 km là 640.000 đồng; từ 1.280 km trở lên là 750.000 đồng. Và các mức giá tối thiểu này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm: giá phục vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý (khoảng 560.000 đồng/lượt). Như vậy nhìn vào bảng giá sơ bộ này, cũng hiểu rằng, mức vé 0 đồng, cơ hội săn vé 0 đồng sẽ biến mất.

Đề xuất trên của Cục Hàng không Việt Nam dựa trên kiến nghị mới đây của một hãng hàng không trong nước và được lý giải là tránh tình trạng các hãng bay liên tục hạ giá bán thông qua các chương trình khuyến mại, kích cầu để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên tàu bay, tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh thị trường hàng không dư thừa cung tải do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Thực ra, việc áp dụng mức giá tối thiểu trên các đường bay nội địa không phải là đề xuất mới. Từ năm 2017 đến nay đã có ít nhất 2 lần, giá tối thiểu đã được một số hãng hàng không đưa ra và lần nào cũng phải rút lại do vấp phản ứng mạnh của người tiêu dùng, giới chuyên gia. Lần này, đầu tháng 9 khi Cục Hàng không Việt Nam có báo cáo và đề xuất phương án điều chỉnh quy định mức giá tối thiểu trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng: Đây là một vấn đề có tính tác động rất lớn, vì vậy quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là cần nghiên cứu hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học, đặc biệt phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với toàn ngành Hàng không trong giai đoạn vừa qua và gian đoạn tiếp theo. Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau trong đó có đánh giá tác động cụ thể; tổ chức làm việc, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của nhà nước.

Là người có nhiều trải nghiệm trên các đường bay quốc tế cũng như đường bay nội địa, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ, ngay cả ở đất nước phát triển như Mỹ cũng có nhiều chuyến bay giá rẻ, trên các chuyến bay không phục vụ suất ăn. Tại Việt Nam, khi thị trường hàng không xuất hiện các hãng hàng không giá rẻ, những người thu nhập thấp mới có cơ hội được đi máy bay và họ rất hào hứng. Với các doanh nghiệp khai thác, thuê, mua được máy bay giá rẻ, đưa ra mức giá thấp để phục vụ phần đông người dân, tức là họ cung ứng được tốt dịch vụ. “Tôi thấy đề xuất áp giá sàn của Cục hàng không Việt Nam là không hợp lý” - ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giá sàn vé máy bay nội địa là 320.000 đồng.

Người nghèo sẽ mất cơ hội bay

Hiện nay, các hãng hàng không trong nước đang đưa ra ra nhiều mức vé máy bay khác nhau từ 0 đồng cho tới cao nhất 3,75 triệu đồng (chưa bao gồm thuế, phí cộng thêm) cho các chặng đường bay dài trên 1200 km. Nếu áp giá sàn, các mức giá vé thấp không còn, đồng nghĩa với việc nhiều người lao động nghèo không có cơ hội cơ hội đi máy bay.

Chị Hoàng Thu Hiền (thành phố Vũng Tàu) chia sẻ: “Nếu áp giá sàn, không còn mức giá rẻ thì người lao động xa quê như tôi muốn về quê sẽ ngày càng khó hơn”. Chị Hiền tính, gia đình 4 người mỗi lần từ Nam ra Bắc riêng tiền đi lại mất khoảng 9 triệu đồng, trong đó vé máy bay chừng 7 triệu đồng cho cả chiều đi và chiều về. “Bay một chuyến là sạch tiền tiết kiệm cả mấy tháng. Sau này mà không mua được vé giá rẻ nữa thì thật khó về quê” – chị Hiền nói.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, vào năm 2020 thu nhập bình quân đầu người ở thành thị là 5,5 triệu đồng mỗi tháng, ở khu vực nông thôn chỉ là 3,4 triệu đồng. Hơn 60% người dân Việt Nam sống ở khu vực nông thôn. Như vậy, có rất nhiều người đang phải sử dụng hết thu nhập một tháng mới có thể đi một chuyến máy bay.

Trở lại với đề xuất mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định để gỡ khó cho ngành Hàng không trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, một nghiên cứu sinh tại Newzeland chia sẻ rằng: Trong dịch Covid-19 doanh nghiệp không kinh doanh, thu nhập người dân bị cũng giảm, thậm chí không có thu nhập. Nên giải pháp tình thế mà Cục Hàng không đưa ra là áp giá tối thiểu giúp ngành Hàng không gỡ khó trong mùa dịch trở nên bất cập.

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giá sàn vé máy bay nội địa là 320.000 đồng thay vì 0 đồng như hiện tại để giúp các hãng bay vượt qua “bão” dịch. Nếu được chấp thuận, những chương trình khuyến mãi với giá vé máy bay 0 đồng hoặc giá siêu rẻ sẽ không còn…

Chưa theo quy luật thị trường

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tiếp tục phân tích, bù khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh và áp giá sàn là hai vấn đề không liên quan đến nhau. Cách giúp cho doanh nghiệp hợp lý nhất là thông qua cấp tín dụng. Nếu hỗ trợ doanh nghiệp bằng giải pháp đưa giá sàn, ép bỏ khuyến mãi là cơ quan quản lý đang lấy quyền lợi của người dân để chuyển sang cho doanh nghiệp.

Theo ông Doanh, trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là tất yếu, là động lực phát triển của thị trường. Có những hãng máy bay họ duy trì được hoạt động, phục vụ nhu cầu phong phú của người dân với những khuyến mãi phải khuyến khích họ làm. Việc áp dụng vé giá sàn sẽ gây ra thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các hãng máy bay vận hành hiệu quả có thể tính toán, cung cấp các chuyến bay với mức giá siêu rẻ để thu hút thêm khách hàng nhưng vẫn có lợi nhuận. Nhưng khi Nhà nước áp giá sàn, họ không thể bán vé dưới giá sàn để tăng khách hàng, từ đó mất đi doanh thu.

“Cục Hàng không đề nghị ban hành một chính sách rất phi thị trường là kiểm soát giá. Tôi cho rằng nên có những buổi tọa đàm giữa các chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng và các hãng hàng không phân tích thiệt hơn, đúng sai trước khi đưa ra quyết định áp giá sàn hay không” - ông Doanh nói.

Hiện nay Nhà nước có 2 phương thức quản lý giá, đó là nhà nước định giá và để cho thị trường định giá. Nếu là thị trường cạnh tranh thực sự đầy đủ nhà nước sẽ để cho thị trường định giá. Nhà nước chỉ can thiệp bằng các biện pháp gián tiếp như sử dụng các công cụ tài chính, tín dụng, thương mại và các biện pháp khác…

Nếu doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền thì Nhà nước định giá để điều tiết thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.

Được biết dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, nếu được đồng ý sẽ áp dụng từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022 (thời gian 1 năm). Mục đích của đề xuất này là giúp các hãng bay tăng doanh thu, bù đắp chi phí cho thời gian ngừng hoạt động. Song giới chuyên gia cho rằng, dưới góc nhìn kinh tế học, giải thích này không thuyết phục. Theo các chuyên gia, để có thêm doanh thu, trước hết các hãng bay phải có thêm nhiều khách hàng. Nhưng khi Chính phủ áp giá sàn, họ không thể bán vé dưới giá sàn để tăng khách hàng, từ đó mất đi doanh thu. Mức độ cạnh tranh hàng không nội địa vốn đã rất khốc liệt, nên bỏ giá trần, để giá vé máy bay cho thị trường quyết định.

Điều đặc biệt phải lưu ý ở đây là khi điều tiết thị trường phải bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của nhà nước.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Thị trường hoạt động phải công bằng và hiệu quả

Các DN được quyền định giá hàng hoá, định hướng sản xuất kinh doanh để đáp ứng yêu cầu phát triển miễn là không trái với luật. Giá vé máy bay có thể quy định khác nhau, lúc này bù lúc kia, vé 0 đồng cũng là quyền của doanh nghiệp vì kinh doanh là lời ăn lỗ chịu.

Về tỷ lệ vé giá rẻ theo quy định, các DN cũng phải có báo cáo với cơ quan quản lý, kinh doanh hàng không giá rẻ là quyền của DN miễn là DN tồn tại và phát triển. Như vậy, giờ đưa ra vé giá sàn 300.000 đồng, 400.000 đồng là không phù hợp quy luật thị trường. Nhà nước đóng vai trò quản lý nhưng đừng triệt tiêu cạnh tranh, phải đảm bảo thị trường hoạt động công bằng và hiệu quả nhất cho mọi người dân, các thành phần kinh tế.

Thúy Hằng