Xóa văn mẫu: Chuyện không dễ dàng
Văn mẫu, bài mẫu từ lâu đã trở thành mối bận tâm của học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và những người nặng lòng với giáo dục Việt Nam. Thế nhưng, ở thời điểm này, khi ngành giáo dục đang đứng trước yêu cầu phát triển, đổi mới toàn diện thì tinh thần học thật, thi thật, nhân tài thật một lần nữa trở thành vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, yêu cầu chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn nêu ra trước thềm năm học mới 2021-2022 gây sự chú ý của dư luận.
1. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn công khai nói điều này tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/8.
Ông Sơn có lẽ là vị Bộ trưởng có nhiều tâm tư với ngành GDĐT. Đọc những tâm sự trên facebook của ông có thể phần nào nhận ra điều này. Trước thềm năm học mới, ông viết: Năm học 2021-2022 sẽ là một năm khó khăn chưa từng có đối với ngành giáo dục do ảnh hưởng trên diện rộng của đại dịch Covid-19. Trong các cấp học, thì tiểu học là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, gặp nhiều khó khăn nhất khi phải chuyển sang dạy và học trực tuyến trong một khoảng thời gian không ngắn. “Dạy online không phải là cách chúng ta muốn, nhưng là sự lựa chọn duy nhất ở nhiều địa phương trong bối cảnh này. Nên mong các địa phương phối hợp tốt cùng Bộ GDĐT, quan tâm giải quyết các vấn đề phát sinh khi chúng ta bắt buộc phải dạy và học theo hình thức này”, ông Sơn viết.
Hay như hôm 5/9, ông viết về một ngày khai giảng “thật đặc biệt, nhiều cảm xúc”: Một năm học mới đã thực sự bắt đầu một cách đặc biệt. Trước mắt là cả một núi khó khăn và thử thách, cả những khó khăn đã thấy, đã biết và cả những khó khăn thử thách sẽ còn diễn ra, bộc lộ khi những ngày học đầu tiên, tháng đầu tiên bắt đầu. Với một sự tập trung cao độ, cơ quan Bộ theo dõi từng ngày tình hình dịch bệnh tại các địa phương và ra các chỉ đạo xử lý mang tính phi truyền thống. Đã có rất nhiều quyết sách được đưa ra để định hướng các địa phương triển khai năm học mới linh hoạt, cả về thời gian, cách thức, cả về triển khai nội dung... cho sát tình hình địa phương và ứng phó tình hình dịch bệnh. (…) Lửa thử vàng gian nan thử sức. Mong các bạn học sinh cố gắng, thích nghi và trưởng thành trước thử thách. Mong các thầy cô vững tay chèo lái những chuyến đò nhiều gió lớn. Mong các phụ huynh phối hợp thật tốt cùng thầy cô và nhà trường. Mong cả xã hội chia sẻ cùng ngành giáo dục bằng cả tinh thần và sự hỗ trợ cụ thể nhất.
Dẫn lại những dòng trạng thái của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trên trang cá nhân để thấy, những suy tư của ông với thầy trò, với ngành của mình. Ít vị Bộ trưởng sẵn sàng viết ra những suy nghĩ, trăn trở ít nhiều mang cảm xúc cá nhân của mình trên mạng xã hội. Cũng ít vị Bộ trưởng nào sẵn sàng mở tính năng comment để đón nhận những ý kiến trao đổi, phản biện của cộng đồng mạng. Nhưng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đến thời điểm đầu tháng 9/2021 vẫn giữ kênh thông tin này, như một thang để đo lường dư luận.
Nhiều ý kiến bày tỏ, đó là sự dũng cảm, và qua đó, ông sẽ có thêm phương án để dần tháo gỡ những vấn đề tồn đọng bấy lâu nay của ngành giáo dục, trong đó có nạn “văn mẫu”, “bài mẫu”.
Về câu chuyện này, sau khi phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp tục viết trên trang cá nhân của mình. Ông nhấn mạnh: “Vì có quá nhiều việc cần phải làm để cho giáo dục tốt hơn, nên những việc gì có thể thực hiện được ngay, thì đề nghị các thầy các cô chúng ta cùng điều chỉnh luôn. Một trong các việc đó là chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò”.
Ý kiến này của ông được nhiều người đồng tình, nhưng cũng có người cho rằng, Bộ trưởng lại đang “đá” quả bóng trách nhiệm về phía các thầy cô giáo. Lâu nay, bản thân nhiều thầy cô giáo cũng đã bức xúc, ức chế với chuyện văn mẫu. Bởi họ hiểu, văn mẫu, bài mẫu đã triệt tiêu sự sáng tạo của học sinh, biến những bài làm văn, thậm chí biến những bài thi thành những bài làm văn dập khuôn, máy móc. Và chuyện văn mẫu, bài mẫu không chỉ riêng ở môn Ngữ văn, mà còn lan sang cả những môn học khác như Toán, Lý, Hóa…
Thế nhưng, bấy lâu nay, nạn văn mẫu, bài mẫu vẫn “hoành hành”, trở thành một thứ bệnh trầm kha của ngành giáo dục. Bây giờ, Bộ trưởng muốn “chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu” chỉ qua một lời phát biểu, một status trên mạng xã hội, liệu có xong?
2. Nhiều ý kiến cho rằng, “khó mà xong ngay lập tức được”. Bởi lẽ, hầu như tất cả phụ huynh đều đã quá quen với cảnh phải mua thêm một “núi” sách học thêm. Tại nhiều hiệu sách, nhan nhản các loại sách “mẫu” từ lớp 1 đến lớp 12. Chưa hết, cứ sắp đến kỳ kiểm tra học kỳ, cô lại phát cho mấy tập tài liệu, trong đó, có những bài văn mẫu. Chị Đặng Bích Thu (Hoàng Mai, Hà Nội), có con gái năm học này bắt đầu lên lớp 2, kể: Cuối học kỳ 2 năm lớp 1, cô giáo chủ nhiệm gửi cho các con đề mấy đề tham khảo, trong đó một đề yêu cầu tả về người lao động trí óc, một đề tả về một lễ hội, đề thứ ba kể về một buổi biểu diễn nghẹ thuật. “Lẽ ra chỉ dừng lại ở đó, để các con tự viết, tự mô tả theo cách hiểu, cách nghĩ của các con, rồi cô sửa, góp ý cho các con. Nhưng không, kèm theo 3 đề kia là khoảng 3 tờ giấy A4 in hai mặt, trên đó mỗi đề có 3 bài văn mẫu để các con đọc và tự chọn một bài trong mỗi chủ đề mà học thuộc”, chị Thu thở dài. “Bản thân tôi có gợi ý cháu viết theo cảm nhận của cháu về một lần tham dự lễ hội ở quê nội, nhưng cháu bảo sợ sai ý cô”.
Câu chuyện học sinh lớp 1 đã phải làm quen với văn mẫu cho thấy phần nào áp lực mà các thầy cô giáo phải gánh. Nó cũng phản ánh phần nào căn bệnh thành tích của ngành giáo dục. Khi mà học sinh ngày một đông lên, lớp học 30 học sinh chỉ là “lý thuyết”, còn thực tế thường gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Cho nên, thầy cô giáo giữ được “tròn vai” thôi đã khó, chớ nên đòi hỏi gì nhiều hơn. Và những bài văn mẫu sẽ giúp các cô hoàn thành công việc một cách thuận lợi hơn, để cuối kỳ, cuối năm kết quả “chung cuộc” sẽ tốt đẹp hơn.
Trong khi đó, anh Phùng Văn Tiến (Hoàn Kiếm, Hà Nội), có con học lớp 10 cũng cho rằng, cách dạy hiện nay đang “bóp nghẹt” tư duy của trẻ. “Thầy cô giáo ra đề “Hãy viết cảm nhận của anh/chị về…”, nhưng khi chấm, thì chấm theo cảm nhận của thầy cô”, anh Tiến bày tỏ.
Từ những bức xúc tiềm ẩn với giáo dục, dễ hiểu vì sao dư luận hiện nay đang quan tâm đến yêu cầu “chấm dứt dạy và học theo văn mẫu, bài mẫu” của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Tuy nhiên, việc này không chỉ là một mong muốn, một yêu cầu, mà cần có những kế hoạch hành động một cách khoa học, cụ thể.
Có ý kiến cho rằng, chỉ khi chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được thực thi một cách nghiêm túc, thì câu chuyện dạy và học văn mẫu mới giảm bớt chứ chưa thể chấm dứt ngay trong năm học 2021-2022 này. Có nghĩa là, để chấm dứt nạn dạy và học theo văn mẫu, thì không chỉ xuất phát từ thầy cô giáo, mà cao hơn, đó là những yêu cầu, chỉ đạo từ ngành giáo dục, từ các nhà trường. Song song với đó, cần dẹp bỏ những nhóm lợi ích trong việc xuất bản, phát hành những cuốn sách “văn mẫu” vốn được bán công khai, dày đặc trong chính hệ thống của ngành giáo dục. Một yêu cầu đương nhiên khác, việc ra đề thi cũng phải thay đổi, để tránh tình trạng học thuộc, học vẹt… Cách ra đề thi hiện nay đang khuyến khích lối học thuộc, đáp án thường là đếm ý cho điểm, học sinh nêu được các ý trong đáp án coi như điểm cao.
Chỉ khi có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt, thì câu chuyện xóa văn mẫu, bài mẫu để mở cho sự sáng tạo của học sinh mới thu được kết quả tích cực. Nếu không sẽ như “ném đá ao bèo”…