‘Người vác tù và hàng tổng’
Đó là cách ví von nghe đã thành quen đối với những người trưởng thôn, tổ trưởng dân phố. Công việc của họ rất nhiều, phức tạp, tỉ mỉ, chi tiết tới từng hộ dân nhưng thu nhập từ công việc lại thấp, cống hiến là chính chứ không phải là hưởng thụ. Chỉ có những người thực sự lấy công việc làm trọng, vì người dân, biết chia sớt vui buồn với dân mới có thể làm tốt vai trò trưởng thôn, tổ trưởng dân phố (gọi chung là tổ trưởng dân phố).
Theo Thông tư 04/2012/TT-BNV và Thông tư 14/2018/TT-BNV sửa đổi bổ sung Thông tư 04, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn.
Theo quy định, tổ trưởng tổ dân phố phải là người có sức khỏe, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm trong công tác; có phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức tốt, được nhân dân tín nhiệm; bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; có kiến thức văn hóa, năng lực, kinh nghiệm và phương pháp vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các công việc tự quản của cộng đồng dân cư và công việc cấp trên giao.
Đòi hỏi với tổ trưởng dân phố là lớn, bởi thực tế công việc. Khi làm việc với người dân, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, phải trình bày được những thông tin, tài liệu liên quan đến quản lý, hoạt động của thôn, tổ dân phố. Nhưng quyền hạn cũng như hưởng thụ lại ít.
Chính vì “việc nhiều, quyền ít” nên muốn hoàn thành nhiệm vụ mỗi tổ trưởng dân phố phải có kiến thức văn hóa, năng lực, kinh nghiệm và phương pháp vận động. Họ phải biết tổ chức nhân dân thực hiện tốt các công việc tự quản của cộng đồng dân cư và công việc cấp trên giao.
Vai trò của tổ trưởng dân phố là rất quan trọng, vì hơn ai hết họ là những người gần dân nhất, hiểu được hoàn cảnh từng hộ dân, nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân. Chỉ có gần dân mới vận động được dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước mà trước hết là những chỉ đạo cụ thể của của xã, phường mình.
Trong dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4, vai trò của tổ trưởng dân phố rất nổi bật. Cùng với chính quyền, cán bộ Mặt trận, tổ trưởng dân phố lăn lộn cùng dân. Đặc biệt là ở những khu cách ly, khu vực phong tỏa thì hình ảnh của tổ trưởng dân phố càng rõ nét. Họ đúng thực là “người vác tù và hàng tổng”, tối ngày lo công lo việc, nhiều người không còn thời gian về nhà chăm nom gia đình. Ngay đến cả bản thân mình cũng không có thời giờ để ý. Có người đã bị lây nhiễm SARS-CoV-2.
Không ít tổ trưởng dân phố bỗng dưng trở thành “ông nội trợ”, vì phải ứng tiền ra lo chợ búa, cơm nước, ốm đau... cho nhiều người dân trong khu cách ly. Không ít tổ trưởng dân phố còn phải nghe những lời than phiền, trách mắng, mà lỗi đâu phải do họ gây nên.
Tâm sự của ông Trần Hoàng Hải, Tổ trưởng tổ 69 (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) phải chăng cũng là tâm sự chung của các tổ trưởng dân phố khi ông nói rằng: “Cơ khổ, tui đi từ sáng tới tối, vừa đứng gác chốt vừa lo đi chợ cho bà con. 70 hộ, hơn 300 con người, nhưng nay toàn bộ tổ bị bít lối ra vào, một mình tui lo cho từng nớ người sức mô chịu nổi?”.
Chuyện gì trong khu cách ly người dân cũng gọi “Tổ trưởng ơi!”. Họ thật đúng là những “công chức” vô cùng đặc biệt, đúng là những công bộc của dân trên tuyến đầu chống dịch.
Tổ trưởng tổ dân phố đóng góp nhiều nhưng nhận về mình chẳng bao nhiêu. Nhưng nào phải ai cũng hiểu điều đó để mà tôn trọng họ, biết ơn họ. Nói như nhà thơ Bùi Minh Quốc thì “Có khi nào trên đường đời tấp nập/ Ta vô tình đã đi lướt qua nhau”...