Giáo viên dạy tích hợp: Còn nhiều băn khoăn

Thu Hương 17/09/2021 13:30

Tới năm học 2024-2025, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý riêng lẻ sẽ không còn tồn tại mà thành các môn tích hợp. Vậy việc bồi dưỡng giáo viên ra sao? Các giáo viên “thừa” ra sẽ như thế nào?

Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên triển khai dạy môn học tích hợp ở lớp 6. Thời điểm này, đa số các trường vẫn phân công thời khóa biểu theo đúng chuyên môn từng phân môn, tức là 2, 3 giáo viên cùng dạy một môn với 1 cột điểm đánh giá chung.

Sau đó, theo lộ trình bồi dưỡng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố từ trước đó, các giáo viên đang dạy các phân môn trong môn tích hợp phải đi học bồi dưỡng chứng chỉ của 3 môn tích hợp mới với khoảng 20-36 tín chỉ tiến tới dạy cả 2, 3 phân môn trong môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý hay môn Nghệ thuật trong tương lai.

Cụ thể, ngày 21/7/2021, Bộ GDĐT ban hành Quyết định số 2454, 2455/QĐ-BGDĐT kèm theo là quyết định này là Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Trước đó, ngày 23/6/2021, Bộ GDĐT ban hành Công văn số: 2613/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 và sau đó là các Quyết định 2454, 2455 về vấn đề này. Theo đó, các giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý phải đi học bồi dưỡng chứng chỉ của 2 môn tích hợp mới để có thể đi dạy.

Theo quy định, cả giáo viên có trình độ ĐH, CĐ và cả sinh viên sư phạm ra trường đều học 20-36 tín chỉ để có chứng chỉ tích hợp đủ điều kiện giảng dạy. Cơ sở khoa học nào để chứng tỏ sau khi hoàn tất 20-36 tín chỉ thì một giáo viên có thể nắm được kiến thức của thêm 1, 2 phân môn khác, đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn 2 tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý?

Hiện trên các diễn đàn giáo viên, vấn đề này đang được bàn luận sôi nổi bởi trường hợp tham gia các lớp học bồi dưỡng trực tiếp đã được Bộ GDĐT chỉ rõ, nhưng các giáo viên thuộc diện buộc phải đi học rất băn khoăn vì để dạy tốt được một môn học, không chỉ đào sâu 4 năm học đại học, bồi dưỡng liên tục qua từng năm vì kiến thức cập nhật liên tục thì nay phải đảm nhiệm thêm 1-2 phân môn nữa thì sẽ phải bổ sung thế nào?

Nếu như dạy trực tuyến, dạy trên truyền hình hiện nay có một ưu điểm lớn là học sinh được học những thầy cô giỏi nhất của trường, tỉnh mình, thậm chí là của cả nước thì việc giáo viên dạy Hóa học sau này trở thành giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Vật lý, Sinh học… ngay tại lớp học của mình sẽ ra sao? Đây liệu có phải là một thiệt thòi cho học sinh?

Chưa kể, sau này khi lên THPT, việc lựa chọn các môn học tự chọn sẽ khiến học sinh ít nhiều băn khoăn bởi giáo viên dạy môn tích hợp khó lòng đáp ứng được việc hướng dẫn, tư vấn, định hướng chuẩn xác cho học sinh ở những phân môn mình nắm chưa vững.

Như vậy, vượt qua kỳ sát hạch để đạt chứng chỉ nhưng để tự tin đứng lớp dạy môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thì có lẽ cần thêm nhiều thời gian tự bồi dưỡng của chính các giáo viên.

Theo thống kê mới nhất của Bộ GDĐT, hiện nay ở bậc THCS thiếu 14.653 nhưng cũng thừa 4.688 giáo viên. Hiện các giáo viên của môn tích hợp vẫn đang dạy theo đúng chuyên môn từng phân môn nên chưa có nhiều sự khác biệt so với trước đây.

Tuy nhiên, sau 3 năm nữa khi các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý riêng lẻ không còn trong chương trình học mà chỉ còn môn tích hợp thì lúc này, từ yêu cầu của 5 giáo viên nay chỉ còn 2 giáo viên. Thời gian dạy khi đó sẽ tăng lên nhưng việc dư thừa giáo viên vẫn là tất yếu, vậy việc sắp xếp các giáo viên này sẽ ra sao trong khi đội ngũ cử nhân sư phạm đã đang và sắp ra trường cũng đang xếp hàng chờ được tuyển dụng?

Cả nước hiện nay có hàng chục ngàn giáo viên đơn môn dạy các môn tích hợp. Một số ý kiến băn khoăn nếu sau thời gian 2025 vẫn chưa hoàn thành chứng chỉ để dạy tích hợp thì việc phân công, bố trí công việc của giáo viên sẽ ra sao? Bởi có những giáo viên lớn tuổi đi học vài tháng về với hi vọng có thêm kiến thức để dạy cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học là điều khó khả thi.

Thu Hương