Trượt tất cả các nguyện vọng, thí sinh nên làm gì?
Điểm chuẩn năm nay ở hầu hết các ngành đều tăng mạnh, trong đó có ngành đã tăng 9 đến 11 điểm, khiến thí sinh không thể lường trước.
Dù đã dự đoán trước nhưng điểm chuẩn năm nay liên tiếp được xác lập khi có nhiều ngành thí sinh phải đạt điểm gần như tuyệt đối mới trúng tuyển. Điểm chuẩn tăng mạnh khiến nhiều thí sinh không đủ điểm trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT ở đợt 1, thậm chí có em trượt cả 9 nguyện vọng.
Vì sao điểm chuẩn tăng mạnh?
Đến chiều 16/9, các trường đại học đã công bố điểm trúng tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu như năm ngoái, điểm chuẩn tăng đã khiến nhiều người phải ngỡ ngàng thì điểm chuẩn đại học năm nay liên tiếp xác lập kỷ lục mới, không thể lường trước.
Ghi nhận chung, hầu hết các ngành đều có mức điểm chuẩn tăng, mức tăng ít nhất từ 0,5 đến 1 điểm. Cá biệt, có một số ngành tăng 9 đến 11 điểm điểm. Đơn cử như Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Nếu như năm ngoái, điểm chuẩn vào các ngành của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dao động từ 15 đên 22,35 điểm thì năm nay, điểm chuẩn vào các ngành của trường này đều tăng lên đáng kể, dao động từ 18 đến 26 điểm.
Các ngành có điểm đầu vào cao nhất của trường-ở mức 26 điểm là ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Trong đó, điểm chuẩn ngành Quản trị du lịch và lữ hành tăng tới 10,95 điểm so với năm ngoái, ngành Công nghệ thông tin tăng 10 điểm.
Cho đến thời điểm hiện tại, điểm chuẩn của ngành giữ kỷ lục năm nay đối với tất cả các tổ hợp không thuộc trường an ninh hay quân đội mà là ngành sư phạm.
Sau khi Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) công bố điểm chuẩn, nhiều người phải “giật mình” khi ngành đào tạo đại học sư phạm Ngữ văn chất lượng cao mức điểm chuẩn lên đến 30,5 điểm (cộng cả điểm ưu tiên).
Theo đánh giá của đại diện Trường Đại học Hồng Đức, có nhiều nguyên nhân khiến điểm đầu vào năm nay cao hơn năm ngoái.
Đầu tiên có thể nói đến đó là tác động từ chính sách của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Đây là một trong những nguyên nhân có thể thu hút học sinh khá giỏi vào sư phạm.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục phổ thông đã được nâng lên thể hiện qua phổ điểm, kết quả các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cao hơn so với năm 2020 và nhu cầu về nhân lực giáo viên của các địa phương.
Lý giải về việc điểm chuẩn năm nay tăng mạnh, TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân phân tích nguyên nhân cơ bản là hiện nay Bộ GDĐT cho phép các trường tự chủ tuyển sinh. Vì vậy, bên cạnh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường tuyển sinh bằng nhiều phương thức xét tuyển; trong đó, có phương thức xét tuyển học bạ THPT.
Bên cạnh đó, nhiều trường sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của 2 cơ sở giáo dục đại học là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đai học Quốc gia TP Hồ Chí Minh để làm phương thức xét tuyển.
Theo TS Võ Thanh Hải, đến thời điểm này, hầu hết các trường xét tuyển bằng các phương thức nêu trên đã xác nhận nhập học cho thí sinh nên số chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT không nhiều so với năm ngoái. Chính vì vậy đã đẩy điểm chuẩn trúng tuyển các trường tăng lên.
Cơ hội nào cho thí sinh?
Điểm chuẩn tăng mạnh khiến nhiều thí sinh không đủ điểm trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT ở đợt 1.
Trên mạng xã hội Facebook, trong các hội nhóm và diễn đàn học tập, nhiều thí sinh cho biết, dù điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay khá cao nhưng các em này đều trượt tất cả các nguyện vọng. Có thí sinh điểm thi là 23,15 điểm, đăng ký 5 nguyện vọng vào các ngành kinh tế đều trượt cả 5; thậm chí có em được 27,2 điểm nhưng trượt cả 9 nguyện vọng.
“Mọi người sao rồi chứ em sốc quá”, “Trượt đại học rồi có nên thi lại hay không?”, “Học đại hay thi lại?”…, là những chia sẻ của nhiều thí sinh không đủ điểm trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 1 trên các diễn đàn.
Với những thí sinh không may trượt đại trong trong đợt xét tuyển lần này, ông Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế-Tài chính TP Hồ Chí Minh đưa ra lời khuyên, thí sinh không nên quá lo lắng vì hiện nay, nếu không trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể chọn thêm phương thức xét học bạ THPT hoặc xét theo điểm kỳ thi đánh giá năng lực.
Ông Nguyên lưu ý đối với các thí sinh chờ cơ hội xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 2 của các trường top trên. Điểm xét tuyển đợt 2 sẽ rất khó khăn bởi có thể các trường top trên đã đủ chỉ tiêu và không xét tuyển bổ sung. Hoặc nếu có thì điểm trúng tuyển cũng rất cao, cao hơn đợt 1.
Vì vậy, ông Nguyên cho rằng, ngay bây giờ, thí sinh cần tìm kiếm cho mình cơ hội khác bằng phương thức xét tuyển học bạ. Thông tin tuyển sinh được các trường đăng tải trên các trang page của các trường.
Chia sẻ với các thí sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, quan niệm “trọng thầy hơn thợ” khiến nhiều phụ huynh và thí sinh có tư tưởng nhất định phải vào đại học bằng được. Thực tế cho thấy, hằng năm có hàng trăm nghìn thí sinh bước vào giảng đường đại học. Tuy nhiên, khi ra trường không phải ai cũng xin được việc làm phù hợp với nguyện vọng.
“Lựa chọn nghề nghiệp tương lai các em cần dựa vào năng lực bản thân, tiềm lực của gia đình và nhu cầu của xã hội. Các em nên đánh giá lại khả năng của mình ở đâu để lựa chọn con đường của riêng mình chứ không chọn theo xu thế đám đông. Có nhiều cơ hội để các em lựa chọn cho tương lai, như có thể học cao đẳng vừa học nghề, vừa theo đuổi ước mơ của bản thân, hoặc có nhiều người làm lại và đã thành công”, TS Nguyễn Tùng Lâm đưa ra lời khuyên.