Hà Nội quyết liệt xử lý ‘điểm đen’ ô nhiễm môi trường

NAM ANH 17/09/2021 14:27

Trước thực trạng vấn nạn ô nhiễm môi trường, UBND TP Hà Nội đang quyết liệt trong việc chỉ đạo các quận huyện tiếp tục triển khai nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm tại các "điểm đen" môi trường.

Tuyến mương Trúc Bạch sau khi được cải tạo.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường chậm hơn so với kế hoạch. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng tiến hành thanh, kiểm tra hơn 724 cơ sở xử lý vi phạm hành chính 533 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 5,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các quận huyện cũng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm tại các điểm đen, các khu vực bức xúc trên địa bàn.

Như “điểm đen” là con mương chạy dọc đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ), nhiều năm liền ô nhiễm nghiêm trọng, đến nay, đã được đầu tư bê tông cống hóa kiên cố. Con mương ô nhiễm giờ đã thành tuyến đường giao thông.

Hay tại quận Đống Đa, UBND quận cũng cho xây dựng kế hoạch và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý ô nhiễm tại 3 hồ lớn là hồ Vuông, hồ Bán Nguyệt và hồ Khương Thượng. Còn tại huyện Phú Xuyên, UBND huyện khẩn trương tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý dứt điểm các điểm tập kết rác thải không đúng nơi quy định, các điểm tập kết rác lộ thiên trên địa bàn, cải tạo thành các đoạn đường, điểm trồng cây, trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Trong khi đó, tại huyện Mỹ Đức, hầu hết rác thải sinh hoạt đã được các cơ quan chức năng phân bổ, vận chuyển tới Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, nên lượng rác tồn đọng tại các bãi trung chuyển không nhiều. Huyện đang có chủ trương thực hiện xử lý ô nhiễm tại các bãi trung chuyển này bằng vôi bột, hóa chất diệt côn trùng và chế phẩm EM…

Ngoài ra, UBND các quận, huyện đã phối hợp kịp thời với các đơn vị chức năng tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường tại nhiều công trình xây dựng trên địa bàn thành phố. Trong số 11.071 công trình được kiểm tra, có 240 công trình vi phạm, trong đó có nhiều công trình gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới các công trình lân cận…

Được biết, trong những tháng cuối năm 2021, các đơn vị chức năng sẽ tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tập trung vào nhóm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng phát sinh lượng chất thải lớn trên địa; kiểm tra xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Y tế… tiếp tục phối hợp kiểm tra, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là trong các dịp lễ lớn. Đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt được thông suốt…

Ý tưởng biến “điểm đen” ô nhiễm thành địa điểm du lịch

Đó là “điểm đen” quanh khu vực mương Trúc Bạch, bên cạnh vườn hoa Trúc Bạch (quận Ba Đình, TP Hà Nội). Giờ mỗi lần qua đây, nhiều người dân không khỏi ngỡ ngàng và không thể nhận ra con mương thối Trúc Bạch ngày nào.

"Điểm đen" ô nhiễm môi trường sau khi được cải tạo, nâng cấp.

Quanh khu vực con mương Trúc Bạch được trang trí với những hàng đèn lồng nhiều màu sắc, xen lẫn những lá cờ Tổ quốc đỏ thắm treo phía trước dãy nhà. Cạnh đó là những hình vẽ tuyên truyền về bảo vệ môi trường “nói không với rác thải nhựa”, tô điểm cho tuyến phố thêm khang trang.

Còn phía bờ tường trạm điện 110kW, nơi cuối vườn hoa Trúc Bạch được tô điểm bởi các hình chọi gà, ông đồ, dãy phố cổ, chùa Một cột, hàng tre, trúc… mang đậm chất dân gian. Buổi tối, những chiếc đèn lồng được thắp lên kết hợp với bóng điện của vườn hoa Trúc Bạch làm cho cả đoạn mương, khu phố rực sáng lung linh.

Nhìn những hình ảnh đó, ít ai nghĩ rằng trước đây khu vực này là một “điểm đen” về ô nhiễm môi trường. Khi mà con mương Trúc Bạch, ngày cũng như đêm, luôn bốc mùi hôi thối, là nơi tập kết rác thải, nhiều hạng mục ở vườn hoa bị xuống cấp. Do ô nhiễm môi trường nên nhiều người thường gọi mương Trúc Bạch là “mương thối”.

Trước thực trạng đó, UBND phường Trúc Bạch đã lên kế hoạch thực hiện dự án cải tạo môi trường tuyến đường ven hồ Trúc Bạch (đoạn từ cầu Ngũ Xã 1 đến cầu Ngũ Xã 2). Tuyến đường thực hiện dự án có chiều dài 200 m, một bên là vườn hoa Trúc Bạch, một bên là dãy nhà ở của 28 hộ dân.

Với phương châm “Lấy xây để chống”, trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phần lớn nguồn kinh phí phục vụ dự án đã được “xã hội hóa”, thu hút được đông đảo người dân tham gia đóng góp và chung tay thực hiện.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia đóng góp kinh phí, nhân lực hỗ trợ thực hiện dự án. Nhận thấy hiệu quả từ cách làm, sử dụng nguồn vốn công khai minh bạch, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp kinh phí.

Theo ghi nhận, do có sự thay đổi đáng kể về hình ảnh và môi trường, nhiều người đã tìm đến con mương Trúc Bạch để chụp hình, tham quan như một điểm đến du lịch. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND phường Trúc Bạch đã đặt biển báo không tụ tập đông người tại vườn hoa Trúc Bạch để nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch của thành phố.

NAM ANH