Để dạy học trực tuyến không manh mún

Đặng Tự Ân 17/09/2021 16:14

Bộ GDĐT cần xây dựng chiến lược cho dạy học trực tuyến theo định hướng: dạy học tốt theo từng vùng và theo “vết dầu loang”.

Trong những tình huống phi truyền thống như đóng cổng trường để chống dịch Covid-19, nhà trường không có cách gì tối ưu hơn là tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh.

Tuy nhiên, nhiều địa phương rất lúng do thiếu hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến cũng như năng lực tổ chức, năng lực quản lý và kỹ năng dạy học trực tuyến của đội ngũ giáo. Bộ GDĐT cần nghĩ tới những giải pháp mang tính chiến lược để tổ chức dạy học trực tuyến, tiến tới đạt được mục tiêu số hóa quốc gia của Chính phủ.

Dạy học trực tuyến là một phương thức dạy học tất yếu trong xã hội số. Nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn kinh tế tri thức, với đặc điểm của quốc gia số, kinh tế số và chuyển đổi số. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, dạy học trực tuyến ra đời như một cuộc cách mạng về dạy học, trở thành một xu thế tất yếu, bắt buộc của thời đại CN 4.0 và đang “bùng nổ” ở nhiều nước đã và đang phát triển.

Cần có giải pháp dài hơi để học trực tuyến không manh mún (ảnh TL).

Do đó việc đổi mới giáo dục, theo hướng giáo dục kiến tạo, nâng cao chất lượng giáo dục là nhân tố sống còn quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia cũng như mỗi công ty, gia đình và mọi cá nhân. Giới tinh hoa khoa học thế giới đã đồng thuận rằng, dạy học trực tuyến chính là giải pháp hữu hiệu, cứu cánh cho những tồn tại về khoa học và xã hội đang xảy ra. Vì thế, dạy học trực tuyến là cơ hội vàng cho đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp trong thời đại kỹ thuật số.

Cần nắm bắt thời cơ quý hiếm này nhất là các địa phương như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị thông minh khác trên cả nước.

Ở Việt Nam, những mặt mạnh cơ bản của phương thức dạy học trực tuyến là cách học cá thể hóa, theo nhu cầu và cho phép người học lựa chọn và xem lại nội dung, kết quả học tập, một khi họ muốn. Người học học có thể độc lập về thời gian và không gian và ở mọi giai đoạn của cuộc đời, tức là nó là cách học hiệu quả nhất cho phong cách học tập suốt đời.

Quá nhiều thách thức dạy học trực tuyến, chung quy cũng do chính chúng ta chưa có cách nhìn xa, chưa thực sự đầu tư cho chiến lược này một cách bài bản. Hai năm qua, khi xảy ra đại dịch Covid-19, học sinh không tới trường, chúng ta đã vội vàng triển khai dạy học trực tuyến. Nên xảy ra nhiều bất cập, như chưa đủ nguồn lực hay cơ sở hạ tầng còn thiếu và không đồng bộ. Từ đó chất lượng dạy học trực tuyến không đảm bảo. Dẫn đến CMHS bất an, học sinh lo lắng, mệt mỏi và chán nản, nhất là các các học sinh lớp học cuối cấp và đầu cấp tiểu học.

Khung của chiến lược dạy học trực tuyến và những giải pháp cần quan tâm.Trước hết về nhận thức cần hiểu: giữa phương thức dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp, không bao giờ có thể phủ nhận lẫn nhau, mà cùng tồn tại và cùng hỗ trợ để phát huy thế mạnh, đặc thù của mỗi phương thức. Điều này cho thấy sự tất yếu trong việc sử dụng dạy học trực tuyến cộng hưởng với dạy học trực tiếp trên lớp cũng như ở nhà cho học sinh.

Để thành công, cần xây dựng cho được hệ sinh thái cho dạy học trực tuyến, nghĩa là phải kết hợp đồng bộ và gắn kết giữa các trường Đại học với các chuyên gia CNTT, các chuyên gia giáo dục và với các công ty và doanh nghiệp để cùng hợp lực triển khai tổ chức cho dạy học trực tuyến.

Theo chúng tôi, Bộ GDĐT cần xây dựng chiến lược cho dạy học trực tuyến theo định hướng: dạy học tốt theo từng vùng và theo “vết dầu loang”. Cụ thể :

Một là, xây dựng bản đồ phân vùng, khu vực, các khối trường được dạy học trực tuyến (khi đã được chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về nhân lực và vật lực cho dạy học trực tuyến) theo nguyên tắc: “Thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp”. Cần có quy định cụ thể môn học hay hoạt động học và thời điểm dạy, quỹ thời gian cho dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu hàng tuần.

Như thế việc dạy học trực tuyến được liên tục và là một phần không thể tách rời của chương trình giáo dục mỗi nhà trường. Ngoài ra, với cách này sẽ dư ra phòng học và giãn được sĩ số học sinh trong lớp khi mà một bộ phận học sinh không tới trường, học ở nhà. Phù hợp cho các khu vực thành phố và khu đông dân cư, vốn có nhiều học sinh. Không lãng phí kho học liệu cũng như kỹ năng dạy học trực tuyến đã được các trường tích lũy.

Hai là, tất cả các khối trường phổ thông ở các địa phương còn lại dạy học trực tiếp theo nguyên tắc: “Nghiên cứu và thí điểm dạy học trực tuyến. Áp dụng có mức độ các phần mềm ứng dụng vào dạy học và quản lý dạy học cũng như quản lý nhà trường”.

Xây dựng lộ trình có thời hạn để từng bước các địa phương này có được sự hỗ trợ cần thiết từ công nghệ đến kỹ năng dạy học trực tuyến để sớm tiếp cận và hòa nhập với khối trường đang dạy học theo phương thức trực tuyến.

Đặng Tự Ân