Dự án cầu Trần Hưng Đạo: Thêm một cây cầu bắc qua sông Hồng
Dự án cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng đã được chấp thuận lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Cây cầu được kỳ vọng không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn góp phần đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển kinh tế.
Không chỉ giải quyết vấn đề giao thông
UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận giao Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy trình, quy định.
Cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng nằm trong dự án 18 cây cầu quy hoạch xây dựng chung của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có vị trí rất quan trọng vì góp phần kết nối hai bờ tả và hữu của Hà Nội, đồng thời nâng cấp hạ tầng giao thông thủ đô theo hướng hiện đại.
Theo đó, dự án cầu Trần Hưng Đạo có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5km, mặt cắt cầu bảo đảm 6 làn xe cơ giới. Đoạn cầu dẫn phía Hoàn Kiếm có quy mô 1 làn xe đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo và 4 làn xe rẽ tiếp cận vào đường đê Trần Khánh Dư; đoạn cầu dẫn phía Long Biên có quy mô 4 làn xe. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.938 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2025.
Dự án có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.
Hiện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đang hoàn thiện phương án kiến trúc trình Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo xem xét quyết định theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Cầu Trần Hưng Đạo khi hoàn thành không chỉ giải quyết vấn đề giao thông thông thường, giảm tải lưu lượng phương tiện giao thông qua lại tại các cây cầu Chương Dương, Long Biên, Vĩnh Tuy mà còn hướng đến đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển kinh tế. Đặc biệt dư luận đang rất kỳ vọng ở điểm nhấn kiến trúc của cây cầu Trần Hưng Đaọ.
Với dự án này, dư luận kỳ vọng Hà Nội sẽ có thêm một “tác phẩm nghệ thuật”, góp phần thúc đẩy phát triển đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt , các nước trên thế giới xây dựng rất nhiều cầu và các cây cầu đều trở thành các điểm du lịch, văn hóa.
Cũng có ý kiến cho rằng cầu Trần Hưng Đạo nên mang tính biểu tượng của Thủ đô. Trao đổi với báo chí, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, lâu nay chúng ta chỉ quan niệm cầu là công trình giao thông và chưa chú ý đến vấn đề kiến trúc trong khi đây là lĩnh vực thế giới rất quan tâm. Đặc biệt là cây cầu bắc qua sông Hồng, qua cầu sẽ cảm nhận được đặc trưng của Hà Nội. Vì vậy, cây cầu Trần Hưng Đạo phải mang tính biểu tượng của Thủ đô.
Đi cùng phát triển giao thông đường thủy
Giới kiến trúc sư cho rằng mỗi cây cầu nói chung không chỉ là công trình giao thông mà còn là điểm nhấn của đô thị. Vì vậy, khi bàn về dự án cầu Trần Hưng Đạo, chuyên gia về giao thông, TS Nguyễn Quang Toản lưu ý, khi xây cầu, cần khai thác lợi thế đường thủy.
Ông Toản phân tích, ít thành phố nào được như Hà Nội, có một dòng sông rộng và nhiều tiềm năng như sông Hồng. Ý tưởng phát triển du lịch đường sông thực ra đã có từ rất lâu nhưng chưa khai thác tốt. Vị chuyên gia này cũng lưu ý 2 điểm, độ tĩnh không, khẩu độ của cầu Trần Hưng Đạo cần tương xứng các cây cầu khác trên sông Hồng để thuyền, tàu, các phương tiện giao thông đường thuỷ có thể lưu thông được dễ dàng.
Song cũng có ý kiến lo ngại, chỉ trên một quãng sông rất ngắn 2km mà có đến 3 cây cầu (Chương Dương, Long Biên, Trần Hưng Đạo) liệu có quá dày? Theo ông Toản, xây dựng cầu Trần Hưng Đạo là bước đầu cho quy hoạch lại đô thị hai bên sông Hồng, từ đó mở ra khu đô thị du lịch tương lai. Một thành phố có hơn 6,8 triệu dân thì cứ 2 – 3 km lại xây dựng một cây cầu là điều tất yếu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Và khi thành phố ven sông xuất hiện và được chỉnh trang đẹp đẽ thì vận tải đường thuỷ và du lịch đường thuỷ chắc chắn đột phá.
Giới chuyên gia cho rằng, muốn du lịch sông Hồng có sức hút mạnh mẽ đối với du khách, Hà Nội cần đầu tư nhiều hơn nữa vào hạ tầng thành phố, chỉnh trang cảnh quan hai bên bờ sông. Bởi vậy, đầu tư xây dựng một cây cầu mới cũng chính là cơ hội để phát triển cảnh quan đô thị.
Cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội); điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc phường Gia Thụy, quận Long Biên. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5 km, mặt cắt cầu bảo đảm 6 làn xe cơ giới. Đoạn cầu dẫn phía Hoàn Kiếm có quy mô 1 làn xe đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo và 4 làn xe rẽ vào đường đê Trần Khánh Dư; đoạn cầu dẫn phía Long Biên có quy mô 6 làn xe.