Sống chung với Covid-19
Chủ trì buổi làm việc giữa tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với TP Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, một số tỉnh, thành phố không thể theo đuổi chiến lược “zero F0” (không xuất hiện ca bệnh Covid-19), do vậy các địa phương phải sẵn sàng tinh thần sống chung với dịch.
Lâu nay, mọi người vốn quen tai với câu “sống chung với lũ”, chứ chưa từng biết đến cụm từ “sống chung với dịch”. Đồng bào miền Trung quanh năm suốt tháng luôn phải đối mặt với thiên tai bão lũ nên đã quen với việc thích ứng để tồn tại. Sống chung với lũ chính là cách để hầu hết người dân miền Trung đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên khắc nghiệt.
Nay, dịch Covid-19 đang hoành hành không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Nó nguy hiểm hơn rất nhiều so với sự giận dữ của “mẹ thiên nhiên”. Đáng tiếc, hiện loài người mới chỉ có vaccine phòng, chứ chưa có thuốc đặc trị nên không thể triệt tiêu, xóa bỏ sự tồn tại của nó trên mặt đất. Đã không thể tiêu diệt triệt để thì con người phải thích ứng, tạm hòa hoãn chung sống để tìm cơ hội loại bỏ hoàn toàn mối họa chết người này.
Nói có vẻ đơn giản, nhưng thực tế lại không dễ dàng như vậy. Trong bối cảnh hiện nay, việc sống chung với dịch là điều đương nhiên không cần phải bàn cãi. Song, vấn đề ở chỗ, dù chúng ta muốn sống chung với dịch thì chắc gì nó đã “đồng ý”. Đã gọi là “giặc” thì sẽ luôn muốn xâm lấn, vậy làm cách nào chúng ta áp chế nó để sống chung đây?
Người xưa có câu: “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Hơn nữa, vạn vật trên đời luôn có sự tương sinh, tương khắc, không có ngoại lệ. Điều đó có nghĩa, dù SARS-CoV-2 có nguy hiểm đến đâu thì nó cũng có điểm yếu, chỉ cần chúng ta khai thác triệt để điểm yếu của nó, phát huy tối đa thế mạnh của con người thì có thể khắc chế, đánh bại nó.
Nói một cách dễ hiểu, “giặc dịch” cần có một số điều kiện nhất định mới có thể tồn tại, phát triển, đó là vật chủ để ký sinh, khoảng cách để lây lan, thời gian sinh tồn... Chỉ cần chúng ta triệt tiêu những điều kiện ấy, lẽ nào sợ Covid-19 không tiêu tan? Đó là lý do chúng ta phải thực hiện biện pháp phòng dịch an toàn 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Hiện, chúng ta đã có vaccine là khắc chế của SARS-CoV-2 nên cần sớm “phủ sóng” cho toàn bộ người dân để phòng bệnh. Song, ngay cả khi đã tiêm đủ hai liều vaccine thì con người cũng chưa hoàn toàn tránh khỏi sự tấn công của dịch bệnh Covid-19. Vì thế, cần phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch khác mới có thể an toàn sống chung với nó.
Ngoài vaccine và các biện pháp phòng dịch cần thiết, điều quan trọng hơn là sự hiểu biết của mỗi người khi sống chung với dịch. Nếu không sẽ dẫn đến hai thái cực trái ngược: Chủ quan lơ là hoặc quá sợ hãi dịch Covid-19. Quá hoảng sợ sẽ dẫn đến việc “bế quan, tỏa cảng” làm suy sụp nền kinh tế, còn nếu chủ quan lơ là sẽ làm bùng phát dịch trên diện rộng.
Đó là lý do mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải “lên giây cót” tinh thần cho lãnh đạo các địa phương, để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng sống chung với dịch bệnh. Bất kể việc gì nếu có sự chuẩn bị cả về vật chất cũng như tinh thần thì sẽ không bị bất ngờ, khả năng thành công sẽ cao. Ngược lại, nếu bị động sẽ chỉ còn nước “bó tay quy hàng”.
Khi mà lãnh đạo các địa phương cũng như từng người dân đều hiểu việc sống chung với dịch Covid-19 là xu thế tất yếu không thể khác, đồng thời chuẩn bị sẵn tâm thế để đối mặt chắc chắn mọi sự sẽ ổn. Nếu vẫn hy vọng vào việc “quét sạch” F0 trong cộng đồng vào thời điểm này, để rồi “kê cao gối ngủ”, tất sẽ bị “lấm lưng, trắng bụng” với “giặc dịch”. Sống chung với dịch là như thế đó.