Hỗ trợ người dân ảnh hưởng do dịch Covid-19: Tránh bỏ sót người khó khăn
Ngày 17/9, TP Hồ Chí Minh triển khai việc lập danh sách xét duyệt người dân khó khăn do dịch Covid-19 để thực hiện gói hỗ trợ đợt 3. Đây là đợt hỗ trợ quy mô lớn nhất từ trước đến nay với dự kiến bao phủ hơn 7,5 triệu người, chiếm trên 83% dân số thành phố, cùng mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người mà không yêu cầu điều kiện cư trú.
Còn bỏ sót và so bì
Đó là kết quả của các đoàn kiểm tra, giám sát ghi nhận tình hình thực tế trong dư luận, nhân dân liên quan đến triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Về vấn đề này, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP HCM cho biết, thời gian qua các đơn vị thực hiện chi theo danh sách đã phê duyệt đạt được gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, số lập danh sách, khảo sát để thống kê chi theo Nghị quyết 09 thì vẫn còn bỏ sót rất lớn.
Ông Bình dẫn chứng trường hợp quận Bình Tân đến ngày 14/9 còn tới 2.486 trường hợp chưa chi trả. Việc hỗ trợ tại quận 8 cũng còn đến hơn 5,4% chưa chi và rà soát đợt 1 còn sót đến 22.390 trường hợp. Tình trạng cũng tương tự xảy ra tại quận Gò Vấp khi số trường hợp chưa chi trả hỗ trợ lên tới 10.000 trường hợp; tại huyện Hóc Môn còn sót tới 19.656 trường hợp.
Ông Bình cho rằng, việc để sót số lượng quá lớn kể trên, sau khi chi bổ sung vẫn còn khoảng 5,37% chưa chi kịp thời. Đại diện Ban Văn hóa xã hội HĐND TP HCM yêu cầu trong quá trình thực hiện các gói hỗ trợ tiếp theo các địa phương phải tăng cường rà soát để đảm bảo đúng đối tượng, nếu xảy ra thiếu sót phải ghi nhận để khắc phục.
Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP HCM cũng yêu cầu cấp phường, xã phải chịu trách nhiệm chính trong việc tăng cường lực lượng, cử cán bộ hỗ trợ cho các tổ dân phố yếu hoặc làm việc chưa hết trách nhiệm để không gây thiệt thòi cho người dân.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tại tổ 6, khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú B (TP Thủ Đức) vừa qua nhiều người đã ký tên vào danh sách nhận tiền, nhưng người dân chờ đợi hơn 2 tuần vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ địa phương. Về việc này, ông Cao Văn Hoàng, Chủ tịch UBND phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức cho rằng, nguyên nhân do sự nhầm lẫn từ tổ, khu phố. Thời gian qua, phường thực hiện việc hỗ trợ người lao động khó khăn theo Công văn 2799 của UBND TP HCM, qua đó đã hỗ trợ tiền cho khoảng 4.600 người dân. Về các sai sót được báo chí phản ánh, địa phương sẽ thống kê ở các tổ, khu phố có phát sinh, lập danh sách bổ sung để gửi lên UBND TP Thủ Đức xem xét hỗ trợ.
Qua kiểm tra, giám sát tại phường 8, quận Gò Vấp, đại diện UBND phường 8 thừa nhận, những người khó khăn trong các khu phòng trọ trên địa bàn phường cơ bản đã được hỗ trợ. Dù vậy, còn xảy ra tình trạng so bì giữa hộ tạm trú, thường trú và giữa các diện hỗ trợ. Có hộ hai người, hộ 7-8 người vẫn nhận được 1,5 triệu đồng/hộ, trong khi số lao động tự do thuộc 6 ngành nghề lại chi theo cá nhân và được nhận tới 3 triệu đồng trong 2 đợt hỗ trợ vừa qua, dẫn đến so bì.
Đại diện một số phường tại quận Gò Vấp cũng cho rằng, do dịch bệnh kéo dài, ai cũng khó khăn. Các địa phương đang phải đối mặt áp lực rất lớn từ người dân mà lực lượng trực tiếp là các tổ trưởng dân phố. Một số phường, xã còn tâm tư việc dù đã giải thích, vận động các nguồn hỗ trợ nhu yếu phẩm, các phần quà an sinh cho người gặp khó khăn do Covid-19, nhưng mong muốn của người dân vẫn là nhận hỗ trợ bằng tiền. Đây là tình trạng thực tế xảy ra tại nhiều địa phương của TP HCM trong hai đợt hỗ trợ vừa qua.
Xác minh kỹ để không bỏ sót
Qua ghi nhận phản ánh của người dân, một số phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP HCM đã rút kinh nghiệm, lắng nghe tâm tư của dân với tinh thần, trách nhiệm cao.
Bà Trương Thị Tú Trâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 14, quận Tân Bình cho biết, có trường hợp cặp vợ chồng trẻ dắt theo 2 con nhỏ (cháu lớn khoảng 2 tuổi, cháu nhỏ tầm 2 tháng tuổi) đến UBND phường để xin giúp đỡ. Hai vợ chồng khai báo với địa phương có người thân là bà ngoại ở quận 3, nhưng bà không cho về và phải sống lang thang ngoài đường, vỉa hè gần 2 tháng qua. Phường đã nhanh chóng xác minh và hỗ trợ suất ăn và tặng một thùng sữa, gạo, mì, nhu yếu phẩm thiết yếu. Phường cũng đã xét nghiệm Covid-19 cho hai vợ chồng; hỗ trợ nghỉ ngơi, ăn uống tạm ở UBND phường đồng thời vận động mạnh thường quân hỗ trợ cho đến khi thành phố hết giãn cách xã hội.
Hiện TP HCM đang triển khai việc lập danh sách xét duyệt người dân khó khăn do dịch Covid-19 để thực hiện gói hỗ trợ đợt 3. Đây là đợt hỗ trợ quy mô lớn nhất từ trước đến nay với dự kiến bao phủ hơn 7,5 triệu người, chiếm trên 83% dân số thành phố, cùng mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người mà không yêu cầu điều kiện cư trú.
Để đảm bảo không xảy ra sai sót trong công tác thống kê người khó khăn do dịch Covid-19, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP HCM được giao hướng dẫn cách thức rà soát, lập danh sách người có hoàn cảnh khó khăn cho chính quyền các địa phương. Tại từng nơi sẽ có trách nhiệm thành lập Tổ công tác để thực hiện chính sách hỗ trợ tại khu phố, ấp, thành phần gồm: Cán bộ UBND xã, phường, thị trấn; Công an khu vực; Khu đội trưởng; Trưởng ban Ban điều hành khu phố, ấp; Tổ trưởng Tổ dân phố; đại diện MTTQ, các đoàn thể...
Yêu cầu nhất quyết không để xảy ra tình trạng người dân còn bức xúc về chính sách hỗ trợ của thành phố, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM đề nghị, thời gian qua việc chậm chi trả không chỉ do các điều kiện khách quan như tình hình giãn cách, phong tỏa mà còn do rà soát quá kỹ hoặc các cấp sợ trách nhiệm nên để kéo dài. Chính vì vậy, đợt hỗ trợ thứ 3 phải rút kinh nghiệm, đặc biệt phải làm tốt công tác xác minh để không sót đối tượng. Bà Tuyết cho rằng, việc hỗ trợ hiện nay chỉ có thể giúp cho người dân đảm bảo cuộc sống ở một mức độ nhất định trong thời gian khó khăn, không thể đảm bảo trọn vẹn các nhu cầu của người dân. Chính vì vậy, các cấp chính quyền cần tận tâm, trách nhiệm, chia sẻ để không ai bị bỏ lại phía sau.