Yêu lịch sử qua phương thức học trực tuyến

Vi Cầm 18/09/2021 07:30

Thời gian quan, “Giờ học lịch sử” và “Câu lạc bộ Em yêu lịch sử” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia luôn là hoạt động thu hút đông đảo học sinh, trẻ em tham gia.

Tuy nhiên, trong điều kiện giãn cách xã hội, học sinh không thể tham gia chương trình trực tiếp, nên từ năm 2020, Bảo tàng đã từng bước chuyển hướng hoạt động các chương trình giáo dục sang hình thức học trực tuyến.

Trên cơ sở các nội dung trưng bày, sưu tập hiện vật, cán bộ giáo dục Bảo tàng đã nghiên cứu, xây dựng nội dung chương trình học lịch sử trực tuyến phù hợp với từng nhóm học sinh. Đối với học sinh chưa học lịch sử ở nhà trường, chương trình tập trung giới thiệu các nhân vật, sự kiện lịch sử; đối với học sinh đã học lịch sử, chương trình được thiết kế gắn kết với nội dung trong sách giáo khoa. Chương trình học lịch sử trực tuyến được bắt đầu triển khai từ tháng 7/2020, với 2 nhóm học thử nghiệm cho học sinh Tiểu học và THCS.

Với hình thức học lịch sử trực tuyến, cho dù ở đâu, các em chỉ cần trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet và được cán bộ Bảo tàng cấp mã là có thể vào Zoom tham gia lớp học. Giờ học lịch sử trực tuyến cũng được miễn phí, và đã thu hút nhiều học sinh tham gia. Tính đến 30/8/2021, Bảo tàng đã tổ chức được 275 buổi học với 5.360 lượt học sinh tham gia, gồm các đối tượng học sinh lớp 2, 3, 4, 5, 6 ở Hà Nội và các tỉnh thành: TP HCM, Vũng Tàu, Cà Mau, Sơn La, Nghệ An…

Từ tháng 6/2021, Bảo tàng đã gấp rút hoàn thành và đưa vào giảng dạy chương trình “Giờ học lịch sử” trực tuyến mang chủ đề “Sáng mãi những tấm gương anh hùng” gồm 5 buổi học tìm hiểu về các tấm gương anh hùng nhỏ tuổi như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bá Ngọc...

Theo bà Nguyễn Thị Hà - cán bộ Phòng Giáo dục, Công chúng (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), Lịch sử vốn là môn học khó với nhiều học sinh khi có quá nhiều con số và các sự kiện diễn ra trong quá khứ, bởi thế để lớp học thu hút được các em không hề dễ dàng.

Với kinh nghiệm của cán bộ bảo tàng lâu năm cùng kiến thức lịch sử chuyên sâu, bà Hà và các cán bộ của Phòng Giáo dục, Công chúng đã cùng nhau lên ý tưởng, thiết kế những bài giảng sinh động. Do đó, trong 1 tiếng học, bài dạy liên tục thay đổi dưới nhiều hình thực để các con hứng thú hơn với các chủ đề về lịch sử.

Tại lớp học lịch sử trực tuyến, không chỉ dừng lại ở các con chữ, các thông tin lịch sử, học sinh còn được ngắm nhìn những hiện vật 3D, xem phim hoạt hình, tương tác với giáo viên, trả lời câu hỏi và được nhận những ngôi sao cho các câu trả lời đúng.

Học lịch sử trực tuyến với thông tin, tài liệu, hình ảnh phong phú giúp học sinh chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại… đang là hướng đi phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Những lớp học trực tuyến thú vị không chỉ giúp các em củng cố kiến thức mà còn thúc đẩy tình yêu của thế hệ trẻ với lịch sử Việt Nam…

Tham gia lớp học không chỉ các em học sinh cấp I yêu thích lịch sử trên nhiều tỉnh thành cả nước mà còn có học sinh là con em Việt kiều ở nước ngoài. Theo bố mẹ sang công tác ở Canada, yêu lịch sử Việt Nam, học sinh Nguyễn Thu Trang (lớp 5) hiện được bố mẹ đăng ký tham gia chương trình học lịch sử trực tuyến của bảo tàng. Trang chia sẻ: Mỗi tiết học gắn với một sự kiện lịch sử được cô giáo truyền tải rất hấp dẫn, sinh động và dễ hiểu. Qua đó, em thấy thêm hiểu, thêm yêu lịch sử của đất nước mình.

Vi Cầm