Nắm bắt cơ hội vào đại học
Nhận định về kết quả xét tuyển đợt 1 và điểm chuẩn các trường, nhiều chuyên gia khẳng định có khá nhiều biến động so với năm 2020.
Trong tuần qua, hầu hết các trường đại học (ĐH) đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo quy định. Nhận định về kết quả xét tuyển đợt 1 và điểm chuẩn các trường, nhiều chuyên gia khẳng định có khá nhiều biến động so với năm 2020. Tuy nhiên, đây cũng là những dự báo trước, khi mà các trường ưu tiên sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác (thay vì tập trung xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia).
Điểm chuẩn tăng cao
Trong buổi trò chuyện trực tuyến về “Điểm chuẩn và cơ hội xét tuyển bổ sung” vừa diễn ra, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM cho biết: Đến thời điểm này, có thể nói tất cả các trường ĐH đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo quy định của Bộ GDĐT với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo ông Nghĩa: Mặc dù thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhất là ở TP HCM nhưng với sự linh động trong tổ chức thi, điểu chỉnh lịch, đề thi, các trường ĐH đã vượt qua được những khó khăn để thực hiện tốt kỳ thi.
“Với kết quả điểm chuẩn đã được công bố, tôi đánh giá rằng điểm chuẩn của các ngành, các trường thu hút thí sinh, có nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng nhìn chung là tăng trong khoảng từ 1đến 2 điểm, cá biệt có những ngành tăng từ 4 đến 5 điểm như tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM) có ngành tăng đến 4, 5 điểm. Thậm chí có ngành tăng đến 8, 9 điểm như một số trường ĐH phía Bắc.
Thực ra, sự gia tăng điểm chuẩn này đã được dự báo trước. Khi cảm thấy kỳ tuyển sinh, kỳ thi tốt nghiệp có vẻ chưa ổn, nhiều trường đã chuyển sang phương thức xét tuyển khác. Ví dụ như xét học bạ hoặc là lấy từ kết quả điểm thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM”- ông Nghĩa nói.
Chia sẻ về công tác tuyển sinh tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra phức tạp cũng đã đặt ra nhiều vấn đề với nhà trường về công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, đến hiện nay, qua những nỗ lực, những thay đổi kịp thời thì công tác tuyển sinh của nhà trường đã đạt được những kết quả nhất định.
Trường có 4 phương thức xét tuyển là xét tuyển điểm thi THPT quốc gia, xét tuyển bằng học bạ, xét điểm thi Đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức và tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT.
Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã trải qua nhiều đợt tuyển sinh. Đến chiều 16/9, nhà trường đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia. Nhìn chung kế hoạch tuyển sinh của nhà trường đang đi đến mục tiêu và kế hoạch đặt ra.
Nhận định về tình hình tuyển sinh chung của trường và các trường ĐH khác, ông Quyền cho hay: Không chỉ ở Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM mà nhiều trường ĐH khác, có một số ngành có số lượng thí sinh đăng ký rất lớn, điểm chuẩn cũng tăng cao đáng kể.
Sự thay đổi về điểm chuẩn, công tác xét tuyển là do bối cảnh dịch Covid-19 nên các trường thay đổi phương thức xét tuyển; nâng tỉ lệ xét tuyển qua học bạ nhiều hơn so với xét qua điểm thi THPT quốc gia. Vì số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển qua kỳ thi THPT quốc gia ít hơn, nên điểm chuẩn cũng theo đó mà tăng lên.
Cũng theo ông Quyền, hiện Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM có một số ngành đã đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên một số ngành khác còn mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh chưa đạt điểm chuẩn thì có thêm “cửa” để đăng ký ngành học mới tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM.
Với Trường ĐH Hồng Bàng, tới thời điểm này đã tuyển chọn được thí sinh theo kết quả xét tuyển của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường năm nay nhỉnh hơn năm trước 20% tại cả 6 phương thức tuyển sinh.
Từ ngày 15/9, trường đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển điểm thi THPT quốc gia. Từ 16/9, đã gửi thông báo nhập học tới các thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển trong đợt 1 trước. Thí sinh ở nhà có thể làm thủ tục nhập nhập online.
Cân nhắc kỹ khi xét tuyển bổ sung
Các chuyên gia khuyến cáo, khi nhận được thông báo trúng tuyển của trường ĐH, thí sinh cần nhanh chóng xác nhận nhập học để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ phía các nhà trường. Ví dụ như ĐH Văn Hiến có hỗ trợ 50% học phí đối với thí sinh nhập học sớm…
Việc nhập học sớm cũng sẽ giúp các trường đi đến quyết định có tuyển bổ sung nữa hay không. Trong trường hợp đã nhập học đủ thì sẽ học tập theo đúng quy định của từng trường. Còn nếu chưa tuyển đủ thì sẽ tuyển bổ sung.
Vẫn theo TS Nguyễn Đức Nghĩa: Đợt xét tuyển bằng điểm thi THPT đợt 1 này được xem như đợt xét tuyển lớn cuối cùng của kỳ tuyển sinh 2021; khép lại mùa tuyển sinh năm 2021, mặc dù vẫn còn những đợt xét tuyển bổ sung. Bởi vì đến thời điểm hiện nay, các trường đã trải qua nhiều đợt tuyển chọn bằng các phương thức khác nhau.
Có một điều rất thú vị là kỳ thi năm 2021 này lần đầu tiên sau 5 năm (từ năm 2016), số thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT vượt con số 1 triệu. Năm nay trong hơn 1 triệu thí sinh dự thi, có đến 790 nghìn thí sinh đăng ký dùng điểm thi xét tuyển vào các trường ĐH.
Như vậy, bức tranh tuyển sinh sau đợt 1, cụ thể là sau 26/9, sẽ có khoảng 70% chỉ tiêu năm 2021 đã được tuyển, nghĩa là chỉ còn khoảng 300 nghìn thí sinh chưa vào được trường nào tiếp tục xét tuyển bổ sung.
Sau ngày 26/9 sẽ có 2 tình huống, các thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức khác nhau sẽ làm thủ tục nhập học. Ngay sau đó các trường khai giảng. Khoảng 300 nghìn thí sinh còn lại tiếp tục dự xét tuyển bổ sung.
Trong giai đoạn xét tuyển bổ sung, các trường thường sẽ tiếp tục xét tuyển bằng học bạ theo thông báo của nhà trường và cả bổ sung qua điểm thi THPT. Lưu ý, với xét tuyển bằng điểm thi THPT, thì kể cả những thí sinh trước đây không đăng ký xét tuyển qua phương thức này cũng có thể xét tuyển bằng điểm thi của mình vào các trường ĐH.
“Với số lượng chỉ tiêu còn ít như vậy, có lẽ các thí sinh còn lại không nên “kén cá chọn canh” mà nên chọn những ngành, trường nào chúng ta cảm thấy có cơ hội trúng tuyển cao nhất. Các cơ hội cho các em không còn nhiều nữa nên các em càng cần cân nhắc để năm bắt cơ hội trong đợt xét tuyển bổ sung này” - ông Nghĩa đưa ra lời khuyên.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa: Năm nay, điểm xét tuyển của các tổ hợp có môn tiếng Anh tăng lên. Điều này cũng đặt ra vấn đề, liệu có sự thiệt thòi cho các thí sinh tuyển sinh khối khác không? Khi mà hiện nay hầu hết các trường đều có điểm chuẩn trúng tuyển chung cho các khối xét tuyển nhưng do tổ hợp môn có chứa môn Tiếng Anh cao, nên là các thí sinh mà xét tuyển các tổ hợp có môn Tiếng Anh lợi thế hơn. Đây là vấn đề tiếp theo mà các trường ĐH và Bộ GDĐT cần xem xét...