Nền văn minh Maya và một thế giới khác

N.Mai 19/09/2021 09:07

Giới khảo cổ học thế giới cho rằng, thành phố cổ Kiuic của người Maya ở bán đảo Yucatan (Mexico) có thể ẩn chứa một thành phố cổ khác, lâu đời hơn triều đại từng thống trị nơi đây.

Đại diện nhóm nghiên cứu nói với National Geographic rằng họ đã vô cùng kinh ngạc khi thấy rằng kim tự tháp lại được xây dựng trên nóc cung điện và lại bị niêm phong hoàn toàn.

Các nghiên cứu cho thấy, rất có thể một vị vua khác của Kiuic là chủ nhân của tòa cung điện. Vài thế kỷ sau, một vị vua khác đã xây kim tự tháp trên chính cung điện cũ, vì một trong 2 lý do: một là vị vua sau thuộc về một dòng dõi khác, muốn xóa bỏ những tàn tích cũ; hai là ông là con cháu của vị vua xây cung điện, muốn tạo nên một mối liên hệ với thế lực cũ, nâng cao sức mạnh của mình.

Tòa cung điện bí ẩn gồm 3 tòa nhà, một bên là đền thờ, bên kia là khu nhà ở của gia đình hoàng gia và một tòa nhà lớn là nơi đặt ngai vàng. Đến giờ người ta vẫn không xác định được chính xác niên đại của nó, nhưng rất có thể nó đã tồn tại chừng 1.200 năm.

Maya từng là một nền văn minh vĩ đại, nổi tiếng trong các lĩnh vực kiến ​​trúc, toán học và tín ngưỡng thiên văn. Xuất hiện từ năm 2000 trước Công nguyên, nhiều công trình ấn tượng của người Maya vẫn còn tồn tại trong các khu rừng ở phía đông nam Mexico, Guatemala, Belize và phía tây của Honduras.

Một dấu tích khác của nền văn minh Maya là Palenque - một thành phố cổ hoang phế được bao phủ bởi những cánh rừng dày đặc cây tuyết tùng, phía Nam Mexico, có niên đại từ năm 226 trước Công nguyên đến năm 799 sau Công nguyên.

Người ta từng biết rằng nhà khảo cổ học John Lloyd Stevens đã có những ghi chép về một khu vực từng tồn tại nền văn minh Maya tại Mexico. Ghi chép của ông vào tháng 5/1840 có câu: “Không có gì khiến tôi ấn tượng hơn cảnh tượng của thành phố đồ sộ và hấp dẫn đã trở nên hoang phế và lạc lõng”.

Hành trình khám phá của Stevens vô cùng khó khăn với nhiệt độ như thiêu đốt và thảm thực vật dày đặc. Hệ thống kim tự tháp Ai Cập, các di tích cổ ở Ý và các đền thờ ở thủ đô Athens (Hy Lạp) và kể cả những khu rừng rậm vùng Trung Mỹ cũng không khiến ông choáng ngợp và kinh ngạc tột độ như khi đứng trước tàn tích của một nền văn minh đã được che kín bởi những cánh rừng già.

Stevens và kiến ​​trúc sư Frederick Catherwood đã vẽ lại tàn tích của Palenque. Sau này nhìn lại, người ta cho rằng chỉ có những bộ óc thiên tài mới có thể quy hoạch một thành phố như thế, và cũng chỉ có những chuyên gia cao cấp nhất mới có thể xây dựng nên nó.

Tại thời điểm huy hoàng, Palenque bao phủ một diện tích hơn 57 km vuông. Những công trình quan trọng nhất được xây dựng từ khoảng năm 630 đến 700 sau Công nguyên, khi đó hầu hết các nơi trên Trái Đất đều chỉ là những công trình nhỏ lẻ, tự phát.

Đáng chú ý, các họa tiết trang trí còn sót lại trên những bức tường cho thấy nơi đây từng lưu dấu những đội ngũ danh họa nối tiếp nhau trong vòng ít nhất là 300 năm.

“Chúng ta có thể mở lối vào kim tự tháp của người Maya, nhưng vĩnh viễn không thể hiểu được những gì đã diễn ra ở một thế giới khác tồn tại trước chúng ta hơn một nghìn năm trước. Chỉ có thể nói đó là một nền văn minh vĩnh cửu”- Lofenn Gautiet, nhà khảo cổ nghiên cứu về nền văn minh Maya nói.

N.Mai