Chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh
Bên cạnh phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, từ nay đến cuối năm là thời gian nước ta thường phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai như mưa bão, lũ quét, sạt lở đất đá... Vì thế, các địa phương cần chuẩn bị các phương án để sẵn sàng ứng phó, thậm chí cả phương án đối diện “thảm họa kép” - đó là thiên tai và dịch bệnh cùng xảy ra.
Chuẩn bị phương án ứng phó
Tháng 8 vừa qua, mưa lớn đã gây sạt lở đất đá trên nhiều tuyến quốc lộ và tỉnh lộ ở Lai Châu. Tương tự, rạng sáng 24/8, do ảnh hưởng của mưa to kèm gió lốc tại thôn Khau Phiêng, xã Khâu Tinh, huyện Na Hang (Tuyên Quang), đã xảy ra sạt lở đất đá vùi lấp hoàn toàn ngôi nhà của anh Phùng Văn Giờ và chị Giàng Thị Pàn, cùng sinh năm 1990, khiến 3 con nhỏ của anh chị tử vong.
Đó chỉ là vài vụ việc gần đây, như lời cảnh báo để bà con cũng như các cấp chính quyền địa phương không chủ quan với mưa lũ, sạt lở đất đá... Bởi, mùa mưa bão từ bao đời nay là một quy luật tất yếu thường xảy ra vào nước ta, bắt đầu từ tháng 6, tuy nhiên, cao điểm vẫn là những tháng cuối năm.
Thiên tai như mưa bão, lũ ống, lũ quét… thường gây ra những vụ sạt lở đất đá khó lường, tàn phá nặng nề và xảy ra trên phạm vi rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Do đó, phòng chống thiên tai luôn là vấn đề thường trực và càng được chú ý, cẩn trọng hơn khi đến mùa. Chắc chắn, với những hậu quả khôn lường mà thiên tai gây ra buộc chúng ta phải tập trung cao độ, ứng phó nhanh với thiên tai trước, trong và sau khi xảy ra. Điều này cũng đòi hỏi một nguồn lực rất lớn từ địa phương từ con người, lực lượng trang thiết bị, các đơn vị, bộ, ngành… cùng vào cuộc để phòng, chống thiên tai, giảm thiểu hậu quả.
Đề phòng “thảm họa kép”
Trong bối cảnh năm nay, ngoài nhiệm vụ phòng chống thiên tai, nước ta còn phải thực hiện chống dịch Covid-19. Các địa phương cần quan tâm cùng lúc tới 2 mục tiêu “vừa phòng chống được dịch bệnh, vừa phòng chống được thiên tai” trong các hoạt động cần thiết phải triển khai như: sơ tán người dân, hỗ trợ người dân trong khu sơ tán, khu bị cô lập, huy động lực lượng, vận chuyển nhu yếu phẩm, trang thiết bị…
Đặc biệt, cần chuẩn bị cho cả tình huống khi thiên tai xảy ra tại chính khu vực đang có dịch bệnh Covid-19.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, để sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có văn bản số 76/TWPCTT ngày 30/6/2021 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai kết luận của Phó Thủ tướng - Trưởng ban tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và văn bản số 60/TWPCTT ngày 11/5/2021 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố. Trong đó đề nghị rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt phương án sơ tán dân phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, vào các ngày 15/7 và 22/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức các Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc đến cấp xã hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai trong bối cảnh Covid-19 với trên 1.200 điểm cầu tham dự.
Theo ông Lý Phát Việt Linh - chuyên gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai của UNICEF, trong tình huống này, việc điều phối, phối hợp giữa các cơ quan ban ngành là điều cần phải lưu ý, đặc biệt là việc phối hợp giữa lực lượng phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và lực lượng ngành y tế. “Chúng ta sẽ chỉ đạo giữa UBND xã, trạm y tế, trường học,… như thế nào trong trường hợp mất điện, viễn thông không hoạt động, giao thông tắc nghẽn. Cho nên chúng ta cần phối hợp, kết hợp để hỗ trợ người dân một cách hiệu quả nhất”- ông Linh nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, cách làm tốt nhất để ứng phó trong tình huống “thảm họa kép” là thực hiện phương châm “4 tại chỗ, kết hợp thực hành 5K và chiến lược vắc xin”. Trong “4 tại chỗ”, ông Linh đặc biệt lưu ý đến lực lượng tại chỗ (con người). Bởi nếu chúng ta có lực lượng “4 tại chỗ” này tốt, tinh nhuệ thì lực lượng này sẽ làm tốt “3 tại chỗ” còn lại.
Ông Linh cũng nêu lên những công việc cụ thể cần phải quan tâm trước khi các tình huống có thể xảy ra. Đó là, phải tiến hành đi khảo sát, đánh giá và chọn địa điểm sơ tán và có kế hoạch di dời người dân. Địa điểm sơ tán thiên tai trong bối cảnh Covid-19 cần đảm bảo 5K, địa điểm sơ tán nên có các quy trình đầu vào để phân loại và có khu riêng cho F0, F1, F2…
Được biết, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, trong đó đặc biệt là cuốn tài liệu “Sổ tay hướng dẫn phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”.
Mới đây, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia đã đưa ra dự báo xu thế thời tiết thời hạn mùa (từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022). Dự báo từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 7 - 9 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 3 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cảnh báo, cần đề phòng các đợt mưa lớn xảy ra tập trung trong các tháng 10, tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2021 ở các tỉnh trung và nam Trung Bộ.
Lũ quét, sạt lở đất tiếp tục có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.