Nhà dài của người Ê đê

Khôi Nguyên 18/09/2021 13:08

Khi người con gái lấy chồng, căn nhà được nối dài để làm nơi ở cho đôi vợ chồng mới. Rồi đến đời cháu gái, ngôi nhà lại tiếp tục được nối. Cứ như thế, nhà dài ra, mãi che chở cho cuộc sống của nhiều thế hệ người Ê đê nơi đại ngàn Tây Nguyên.

Ngôi nhà dài truyền thống của người Ê đê do phụ nữ làm chủ, nó phản ánh sự tồn tại của chế độ mẫu hệ. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Nhà dài, dài đến bao nhiêu thì tùy thuộc vào chủ nhà dài ấy có thịnh vượng hay không. Trước đây, có những nhà rất dài. Đến thế hệ thứ 3, con của các cô con gái trong nhà, tức là cháu của bà chủ nhà ấy lấy chồng thì tiếp tục nối dài ra, thậm chí chắt của bà chủ nhà lấy chồng thì cũng nối dài ra như thế. Như tài liệu của người Pháp mô tả thì người ta nói trong thời Pháp, có ngôi nhà như ngôi nhà của ông Ama Ha dài hơn 200 m.

Nhà dài của người Ê đê là nhà sàn, làm bằng tre nứa và bằng gỗ, mặt sàn và vách tường bao quanh nhà làm bằng thân cây bương hay thân tre già đập dập, mái lợp cỏ tranh. Nhà dài thường được lợp bằng cỏ tranh. Tranh lợp từng cụm, ngọn thả xuôi mái, gốc bẻ gập xuống vào bên trong. Người Ê đê thường làm nhà theo hướng Bắc- Nam. Nhìn từ xa ngôi nhà có hình dáng một cái thuyền. Khi nói đến chiều dài thì nói đến số lượng dầm ngang (đê) tương ứng với một đôi cột. Nhà có bao nhiêu đê là có bấy nhiêu gian.

Không gian nhà dài theo chiều dọc gồm hai phần rõ rệt: từ cửa chính đi vào là một phần rộng, chiếm 1/3 hay 2/3 gọi là Gah, phần còn lại gọi là Ôk. Gah là nơi tiếp khách, có bếp cho khách và là nơi sinh hoạt chung của gia đình, là nơi cúng thần, là chỗ ngủ của con trai chưa vợ, là nơi đặt nhiều đồ vật quý. Gah và Ôk được ngăn bởi vi cột Kmeh Kpăng có khắc hình, trong đó cột phía đông là cột chủ, bên cạnh kê một bộ phản để người đứng đầu gia đình ngồi khi hội họp, trong khi đó cột phía Tây là cột trống nơi có đặt chiếc trống cái trên ghế Kpan cao 0,50 m, dài từ 10 – 20 m để nhạc công ngồi đánh chiêng, trống, cồng. Gầm ghế thường là nơi để cồng chiêng. Sát vách phía sau hàng cột phía đông là nơi để hàng ché. Bên cạnh bếp khách còn có bếp nấu ăn khi có lễ nghi. Ngày xưa, ở gian Gah còn có bếp để cho trai gái chuyện trò.

Gian đầu tiên khi bước vào nhà gọi là Gah (phòng khách) - gian rộng nhất của nhà dài.

Diện tích phần Ôk, theo chiều dọc phía đông là những buồng ngủ cho từng cặp vợ chồng, có phên ngăn theo thứ tự từ con cả cho đến con út. Khi ngủ, người Ê đê thường quay đầu về hướng đông.

Nhà dài Ê đê có cùng mô-típ chung về kết cấu bộ phận và kỹ thuật xây đựng. Nhà dài của người Ê đê Adham Krông ở Krông Buk và của người Ê-đê K’pa, Ê đê Bih (Buôn Ma Thuột và Krông Ana) rất giống nhau về hình thức kiến trúc cũng như cách thức sử dụng. Riêng nhóm Ê đê Mdhun ở M’drăk thì nhà dài có ngắn hơn và lòng thì cũng hẹp hơn nhiều. Nhà dài trong các buôn đều có đòn nóc nằm theo hướng Bắc - Nam, cầu thang thì nằm ở hai đầu hồi tránh được gió Đông Bắc vào mùa khô và gió Tây Nam vào mùa mưa.

Với nhà dài Ê đê, gia chủ giàu có thì ở phòng khách (Gah) người ta bày rất nhiều đồ dùng như ché rượu cần, cồng chiêng, nồi đồng… là những tài sản rất có giá trị với người Ê đê. Nếu số lượng những đồ vật này càng nhiều thì có thể hiểu rằng đây là một gia đình rất giàu có.

Trong mỗi ngôi nhà dài, người Ê đê chạm khắc rất nhiều hình con vật như voi, cua, cá... Sự giàu có của chủ nhà được thể hiện trên những hoa văn đó. Ví dụ hoa văn hình con voi phải những gia đình nào sở hữu những con voi thật thì mới có quyền chạm khắc hoa văn hình con voi. Một số hoa văn khác như là hoa văn con kỳ đà, con rồng, cua, rùa… là những con vật xuất hiện trong tín ngưỡng của người Ê đê. Người ta khắc những con kỳ đà trên xà ngang với mong muốn sẽ mang đến cho gia đình nhà mình những điều may mắn và mang đi những rủi ro. Đặc biệt là con rồng có vây hình con cá, râu, sừng nhô lên. Theo các chuyên gia, đây là hoa văn nguyên thủy của người Êđê không trộn lẫn với các dân tộc khác.

Cầu thang đực và cầu tháng cái.

Cầu thang là một điểm nhấn của nhà dài người Ê đê gắn với hai cửa của nhà dài, cửa phía trước dành cho khách và nam giới, cửa phía sau dành cho phụ nữ. Thường nhà người Ê đê có 2 cầu thang, cầu thang phía trước và cầu thang phía sau. Cầu thang phía trước thường hướng về phía Bắc và được gọi là cầu thang chính. Đối với những gia đình giàu có ngày xưa, cầu thang chính bao giờ cũng có 2 cầu thang để lên xuống, cầu thang đực và cầu thang cái. Trên cầu thang cái bao giờ cũng có hình ảnh bầu sữa mẹ và vầng trăng khuyết, còn cầu thang đực không có hoa văn chạm khắc nhiều, thường chỉ là một cây gỗ sau đó chạm khắc những bậc để lên xuống.

Nhà dài Ê đê do một phụ nữ làm chủ, phản ánh sự tồn tại của chế độ mẫu hệ. Trung bình mỗi nhà dài có từ 3 - 9 cặp vợ chồng sinh sống. Xưa kia, mỗi nhà có chiều dài trên 100 mét, đồng bào thường ví “dài như tiếng chiêng ngân”, nhưng ngày nay chiều dài của ngôi nhà chỉ phổ biến từ 25 - 30 mét. Nơi đây không chỉ là nơi ở mà còn là không gian gắn kết bao thế hệ dòng tộc của người Ê đê.

Khôi Nguyên