Hà Nội nới lỏng giãn cách, mặt bằng kinh doanh vẫn ế ẩm

Nhật Ánh 19/09/2021 18:16

Sau gần hai tháng đóng cửa, nhiều cửa hàng ăn uống và cơ sở sửa chữa xe máy, ôtô, bán văn phòng phẩm trên địa bàn Hà Nội mở lại từ trưa 16/9. Tuy nhiên, trên các tuyến phố chính vẫn la liệt biển hạ giá mặt bằng kinh doanh.

Tuy Hà Nội nới lỏng giãn cách nhưng các cửa hàng trên tuyến đường Cầu Giấy vẫn treo la liệt biển cho thuê mặt bằng

Trong ngày 19/9, tại nhiều tuyến phố có vị trí đắc địa trong hoạt động kinh doanh tại Hà Nội cũng đồng loạt treo biển cho thuê cửa hàng. Nhiều chủ nhà phải đóng cửa cả năm trời, giảm giá sâu đến 50% nhưng đến nay vẫn cửa đóng then cài.

Một mặt bằng kinh doanh trên đường Nguyễn Trãi có diện tích 200m2, giá cho thuê bình thường là 156 triệu đồng/tháng. Chủ nhà cho biết, kể từ 3/2021 khi khách thuê hết hợp đồng và từ chối gia hạn thêm do tình hình kinh doanh không ổn định.Do đó, trong vòng gần 7 tháng anh đã phải giảm giá 2 lần mỗi lần 20% giá thuê, tổng 40%, tương đương 90 triệu đồng/tháng. Nhưng đến nay vẫn chưa có khách thuê nào chấp nhận.

Tại đường Cầu Giấy, nơi được đánh giá là tuyến đường kinh doanh sầm uất có tiếng ở Hà Nội. Một cửa hàng có diện tích 40m2, trước kia cho thuê với mức giá 50 triệu đồng/tháng.

Chị Hà - chủ cửa hàng cho biết, từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tình hình kinh doanh trở nên khó khăn, người thuê trả lại mặt bằng nên chị đành treo biển cho thuê tiếp.

Đến nay, trải qua gần 5 tháng cửa hàng vẫn chưa cho thuê lại được, chị Hà đành giảm sâu còn 25 triệu đồng/tháng, tức giảm 50% so với thời điểm đỉnh trong năm đầu tiên, đến năm tiếp theo sẽ thương lượng theo giá thị trường. Nhưng đến nay, cửa hàng của chị Hà vẫn chưa có khách thuê.

Liên hệ với các cửa hàng cho thuê, nhiều chủ cửa hàng tính giá thuê khi chính quyền cho mở cửa trở lại, thời gian đóng cửa không tính tiền nhưng vẫn có khách thuê.

Không chỉ riêng hai tuyến đường Nguyễn Trãi và Cầu Giấy, mà hầu hết trên khắp tuyến phố Hà Nội đều rơi vào tình trạng treo biển cho thuê. Ảnh hưởng của dịch bệnh một phần khiến giới kinh doanh bán lẻ chọn sang bán hàng online.

Theo anh Trọng Đạt, trong vài năm trở lại đây do thương mại điện tử phát triển, rất nhiều người kinh doanh đã chuyển sang bán hàng online và trả mặt bằng. Tất cả chi phí mặt bằng sẽ được chuyển sang mục đích chạy quảng cáo, thu hút khách hàng.

"Bán hàng online lượng tiếp cận lớn nên bán được nhiều. Hơn nữa, do không chịu chi phí mặt bằng nhiều nên giá thành cũng phải chăng hơn.Những người thuê nhà tại mặt phố đa phần là kinh doanh đồ ăn hoặc quần áo. Nhưng bây giờ đồ ăn có thể giao tận nhà cho khách, nên rất tiện. Khách hàng họ cũng đã chấp nhận hình thức này. Nên những người kinh doanh quần áo, đồ ăn hiện nay chỉ cần thuê chỗ để làm kho và bếp là có thể bán hàng được", anh Đạt phân tích.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính nhận đinh, về quy luật thị trường, trước khi có dịch Covid-19, thương mại điện tử đã hình thành rõ xu hướng kinh doanh không phụ thuộc quá nhiều vào mặt bằng. Dịch bệnh bùng phát tạo thuận lợi cho thương mại điện tử bùng nổ mạnh, nhanh hơn.

“Kinh doanh mặt bằng bán lẻ, văn phòng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, cộng với tác động từ dịch bệnh, thì xu hướng giảm giá, giãn nợ cho khách thuê sẽ là tất yếu để tồn tại, các chủ mặt bằng cần nhạy bén tính toán”, ông Thịnh nói.

Nhật Ánh