Hai Bà Trưng: Khát vọng và thực hành độc lập

Phùng Văn Khai 20/09/2021 09:30

Khi vừa viết xong những dòng cuối cùng của bộ tiểu thuyết lịch sử “Vương triều Tiền Lý” với tâm trạng bâng khuâng khó tả, trên đường chở nhà văn Hoàng Quốc Hải tới trường quay VOV ông đã động viên tôi tiếp tục viết về đề tài lịch sử.

Đền thờ Hai Bà Trưng - di tích Quốc gia đặc biệt, ở huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng.

Ông nói đại ý rằng, trong lúc này, nếu viết được về Hai Bà Trưng là tốt nhất. Thật đúng với tâm can chí hướng của tôi. Tôi đang đi tìm các nguồn tài liệu về Hai Bà Trưng và thấy một sự thật rất mừng rằng: Việt Nam ta khá phong phú sử liệu, từ chính thống tới dân gian, từ các đình, đền, chùa, miếu tới tranh thêu, tượng đồng, phù điêu gỗ trưng bày nơi trang nghiêm chính thể, tặng chính khách quốc tế tới các khách sạn sang trọng, tư dinh đại gia, đến như đồ gốm sứ phổ thông sử dụng hàng ngày, hình ảnh về Hai Bà Trưng vô cùng phong phú vậy.

Điều gì làm nên sự thâm trầm phong phú ấy? Đến như các đời Tổng thống, Phó Tổng thống Mỹ gần đây, trong các diễn văn về Việt Nam đều ca ngợi Hai Bà Trưng, lấy Hai Bà Trưng làm biểu tượng của tinh thần quật cường, khát vọng độc lập của người Việt Nam. Đó không chỉ là sự tinh tế trong ứng xử ngoại giao mà còn là sự trọng thị về văn hóa, văn hóa đánh giặc, văn hóa khát vọng và thực hành độc lập trước kẻ thù hùng mạnh của dân tộc Việt Nam.

Hai Bà Trưng theo sử sách mang họ Hùng, dòng dõi Hùng Vương, thuộc hàng trâm anh thế phiệt. Cặp song sinh Trưng Trắc - Trưng Nhị là cặp nhân vật lịch sử đặc sắc bậc nhất trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Đánh giặc, khai quốc. Xưng vương, phong chức tước, đất đai ngàn dặm cho đông đảo tướng lĩnh, tù trưởng các sắc tộc người Việt, người Hán, ai nấy đều một lòng tuân phục theo nữ vương. Đối với nước trung nghĩa kiên cường, cùng bách dân gỡ nạn nước giành độc lập dân tộc vang danh bốn biển. Đối với nhà theo lời thề buổi phất cờ tụ nghĩa, trả thù nỗi chết oan của người chồng Thi Sách cũng là một thủ lĩnh lừng danh đất Chu Diên, vì có ý chống với bọn Thái thú Tô Định mà bị giết, nữ vương đã tuyên cáo giết Tô Định, trả lại danh tiếng cho chồng cũng là cổ kim hiếm có.

Cũng trong công cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc của Hai Bà Trưng, những đấng nam nhi, anh hùng hào kiệt theo về với hai bà vô cùng đông đúc. Đó là ba anh em họ Trương: Trương Tế, Trương Lại, Trương Độ ở động Thiểm Khê (nay thuộc Thủy Nguyên - Hải Phòng) đã đem quân bản bộ dong thuyền về Mê Linh làm tướng của Trưng Vương, lập nhiều công tích, hiện được thờ ở miếu Ba Vua xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Đó là ba anh em họ Đào: Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống và Đào Tam Lang quê ở Thanh Hóa sớm theo Trưng Vương đánh giặc. Giỏi nhất là tướng Đào Tam Lang còn gọi là Đào Kỳ rất giỏi võ và mưu lược, được Trưng Vương phong là Bắc Bình vương, từng dẫn binh tới thẳng đất địch, đánh nhau với Hán quân và hi sinh trong trận Bồ Lăng giữa ngã ba sông Trường Giang và Ô Giang (thuộc Trùng Khánh - Trung Quốc) hiện có nhiều nơi lập đền thờ. Đó là đô vật nổi tiếng Nguyễn Tam Trinh được người vùng Mai Động (Long Biên) suy tôn là châu trưởng, khi nghe hịch Trưng Vương truyền gọi cứu nước, đã tập hợp ba nghìn tráng đinh theo về cờ nghĩa được Hai Bà Trưng giao đánh thành Luy Lâu, hạ được thành. Sau này, Nguyễn Tam Trinh đã nhiều lần tử chiến với binh tướng Mã Viện. Ông là một chiến thần của triều đại Hai Bà Trưng.

Các tướng ông đã thế, còn các tướng bà có tới hơn một trăm người. Tiêu biểu như: Thanh Thiên giữ chức Bình Ngô đại tướng quân trấn thủ miền Nam Hải; Lê Chân giữ chức Trấn Đông đại tướng quân; Vũ Thị Thục giữ chức Bát Nạn đại tướng quân; Phùng Thị Chính giữ chức Trưởng Nội thị tướng quân nổi tiếng với trận đánh ở Lãng Bạc sinh con giữa trận tiền một tay ôm con một tay vung kiếm giết giặc vô cùng anh dũng. Đó là các nữ tướng: Vương Thị Tiên, Vũ Thị Thục, Lê Thị Hoa, Hồ Đề, Trương Tử Nương, Đàm Ngọc Nga, Trần Thị Phương Châu, Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương, Thiều Hoa, Quách A, Vĩnh Huy, Lê Ngọc Trinh, Lê Thị Lan, Phật Nguyệt, Trần Thiếu Lan, Phương Dung, Trần Năng, Trần Quốc, Đạm Nương, Hồng Nương, Thanh Nương, Quý Lan, Bà Chúa Bầu, Sa Giang… đã cho thấy Hai Bà Trưng không chỉ là lá cờ đầu có uy tín mà chính là khát vọng độc lập và cách thức thực hành giành độc lập của Hai Bà Trưng cũng là mẫu số chung của các vị tộc trưởng, tù trưởng, nam tướng, nữ chúa thời bấy giờ.

Khát vọng độc lập chưa bao giờ nguôi cháy bỏng trong các người con dân tộc Việt Nam mà tiêu biểu nhất phải kể đến thời kỳ Hai Bà Trưng giương cờ khởi nghĩa. Khi đó, ở phương Bắc, Hán Quang Vũ Đế đang làm vua nhà Đông Hán rất hùng mạnh. Bản thân Vũ Đế là một trong những vị vua giỏi chinh chiến bậc nhất, từng dẫn binh đánh dẹp quần hùng dựng lại đế nghiệp cho họ Lưu, sau này các sử gia đều đánh giá rất cao tài năng quân sự của ông. Ấy vậy mà, chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng cùng các tướng đã nhất loạt đánh chiếm và làm chủ các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố thuộc đất Lĩnh Nam, còn tiến binh xuất quân đánh được 65 thành trì vùng Lĩnh ngoại chấn động triều đình Hán Quang Vũ Đế. Điều đó cho thấy, khát vọng độc lập và phương pháp thực hành để giành quyền độc lập của Hai Bà Trưng đã lan truyền thông suốt tới khắp trong ngoài đất Lĩnh Nam.

Sau này các sử gia, trong đó có cả sử gia Trung Quốc đã rất kinh ngạc và khâm phục nhị vị nữ tướng người Nam không chỉ hăng hái quật cường mà mưu lược quyền biến đều xếp trên một bậc không ít vua chúa tướng lĩnh người phương Bắc. Còn sử gia đời Lê Trung Hưng Nguyễn Nghiễm đã nhận xét: “Trưng Vương là dòng dõi bậc thần minh, nhân lòng dân oán hận, nổi giận, đã khích lệ người cùng chung mối thù. Nghĩa binh xa gần đều hưởng ứng, 65 thành ngoài miền Ngũ Lĩnh một buổi sớm đều thu phục được, người dân chịu khổ từ lâu không khác gì được ra khỏi vực thẳm thấy ánh mặt trời. Bà quả là bậc anh hùng khí khái hơn người. Khi đất nước bị chìm đắm, lại được khôi phục do một nữ chúa ở Mê Linh. Lúc đó bậc con trai mày râu phải cúi đầu ngoan ngoãn tuân theo không dám làm gì, chẳng đáng thẹn lắm sao?”.

Sử gia Lê Văn Hưu trong “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, thế mà hô một tiếng các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương”.

Càng nghiên cứu về về xuất xứ dòng dõi và cả quá trình khởi nghĩa giành độc lập dân tộc của Hai Bà Trưng, chúng ta càng thấy rõ khát vọng độc lập luôn chảy trong huyết thống của dòng dõi Lạc Hồng suốt hàng nghìn năm lịch sử. Chúng ta càng thấy rõ sự quật cường của các bậc anh hùng hào kiệt, trong đó có cả các bậc nữ kiệt như Hai Bà Trưng không chỉ khao khát độc lập mà còn biết cách thực hành để danh chính ngôn thuận giành lấy nền độc lập cho đất nước mình, nhân dân mình. Đến nay đã gần hai nghìn năm kể từ ngày các vua bà khai nguyên lập quốc, con cháu hậu duệ hôm nay không chỉ biết ơn tiên tổ trong công cuộc giành lấy độc lập mà còn biết học tập Hai Bà Trưng về cách thức thực hành để giữ vững nền độc lập ấy. Điều này chính là nét đẹp văn hóa truyền thống đã được hun đúc, trao truyền từ đời này sang đời khác một cách hết sức tự nhiên.

Tổ tiên ta đã làm được những điều lớn lao, khai thị và khai sáng những mạch nguồn vẻ vang bất tận, cũng là đặt nền móng để con cháu đời sau phải gắng sức tạo lập huân công, đặng không hổ với tiền nhân. Hiện nay, Việt Nam ta có trên một trăm nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh của hai bà.

Triều đại Hai Bà Trưng - Trưng Nữ Vương là một triều đại rực rỡ khí phách tinh thần độc lập, điều đó càng có ý nghĩa với mỗi người Việt Nam hôm nay trong bước đường phấn đấu, học tập, trưởng thành.

Phùng Văn Khai