Khi nông dân vào cuộc ‘chuyển đổi số’
Covid-19 đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng, làm chậm quá trình sản xuất. Trong bối cảnh đó cũng là lúc để Việt Nam nỗ lực chuyển đổi số, ghi tên mình trong bản đồ cung ứng nông nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, đó là công việc khó khăn.
Xu thế tất yếu
Chiếm 14% GDP, thu hút gần 40% lực lượng lao động, ngành nông nghiệp vẫn luôn là ngành chủ lực của đất nước. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, ít có các doanh nghiệp (DN) lớn để hình thành và xây dựng chuỗi công nhân nông nghiệp. Bên cạnh đó, mô hình quản trị sản xuất nông nghiệp: “Khu liên hợp - Công ty - Cụm xí nghiệp - Xí nghiệp - Nông trường” còn ít, nên hiện chưa có nhiều “nông dân số” như các nước trong khu vực. Chính vì vậy, chuyển đối số được coi là xu thế tất yếu để nông nghiệp Việt Nam, bứt phá, cạnh tranh và có thương hiệu trên thị trường quốc tế.
“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020 cũng chỉ rõ, nông nghiệp là một trong số các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Tại Diễn đàn chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam được tổ chức mới đây, ông Lê Văn Thành-Chánh Văn phòng, Tổ trưởng Tổ giúp việc, Thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số nông nghiệp của Bộ NN&PTNT nêu quan điểm, nền nông nghiệp phải minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin mới có thể vươn xa. Đại dịch Covid-19 cũng đã chứng minh việc đưa công nghệ thông minh vào nông nghiệp giúp bảo đảm sự ổn định, thông suốt, đồng thời giúp phát triển kinh tế sau đại dịch.
Cũng theo ông Thành, để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chúng ta phải chuyển đổi số thành công, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên khảo sát nhanh của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy DN Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi số. Phần lớn DN nhỏ và vừa gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số. DN chưa có tư duy và nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số đồng thời bị hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính cho công cuộc này.
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực
Đề cập đến những khó khăn trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Khắc Lịch - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Lạng Sơn cho biết, có hai khó khăn đó là thay đổi hành vi của người nông dân và nhận thức về chuyển đổi số của chính quyền địa phương. Nhất là việc thay đổi tư duy chuyển đổi sản xuất của người nông dân rất quan trọng.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và mở rộng thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trước hết phải đầu tư vào nguồn nhân lực cho mục tiêu số hóa nông nghiệp. Hiện Việt Nam có 9,2 triệu hộ nông dân. Cần phải đưa hộ nông dân lên nền tảng điện tử, phải có tên gọi, hồ sơ, truy xuất nguồn gốc. Để làm được điều này, cần có thiết chế để thực hiện: thiết chế ngân hàng, thiết chế giao dịch... Tiếp theo, để thực hiện, phải đào tạo cho người nông dân” - ông Toản nhấn mạnh.
Giới chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, muốn chuẩn bị tốt cho quá trình chuyển đổi số cần hoàn thiện hệ sinh thái, trong đó vai trò chính yếu thuộc về người nông dân. Thời gian tới, rất cần sự phối hợp giữa DN và nông dân trong việc hợp tác đào tạo nhân lực, từ đó tạo sự gắn kết giữa nông dân với DN, cơ sở giáo dục và thị trường lao động.