Những đứa trẻ trong đại dịch
Hơn 1,5 triệu trẻ em đã mất cha mẹ trong đại dịch Covid-19 và việc giúp đỡ những đứa trẻ này là điều cấp bách đối với thế giới - một nghiên cứu được tạp chí The Lancet công bố và lưu ý: Những đứa trẻ mồ côi sau khi cha mẹ qua đời vì Covid-19 là một trong những hậu quả của đại dịch và “thế giới không thể bỏ quên các em”.
Mối đe dọa tiềm tàng
Nhóm nghiên cứu trẻ em trong đại dịch Covid-19 cho rằng, hơn 1,5 triệu trẻ em trên thế giới mất đi ít nhất một người chăm sóc chính (cha mẹ hoặc ông bà giám hộ) hoặc một người chăm sóc phụ (ông bà hoặc họ hàng lớn tuổi sống cùng nhà), chỉ tính từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2021. Đây là mức độ mất mát cao chưa từng có kể từ khi HIV/AIDS lây lan ở khu vực châu Phi cận Sahara vào năm 2002.
Nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và nhiều nơi khác. Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận vì số nam giới tử vong do Covid-19 nhiều hơn phụ nữ, số trẻ mất cha cũng nhiều hơn 2 - 5 lần so với những trẻ mất mẹ.
Các quốc gia có tỷ lệ trẻ mất người chăm sóc chính cao nhất trong nghiên cứu là Mexico (141.132 trẻ), Brazil (130.363 trẻ), Mỹ (113.708 trẻ)... Tuy nhiên, đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều do việc xét nghiệm SARS-CoV-2 và thống kê của các quốc gia có thể chưa đầy đủ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra trẻ em mất người chăm sóc chính có nguy cơ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, bạo lực thể chất, tình cảm, tình dục và nghèo đói. Vì thế, cần tìm cho trẻ người chăm sóc khác để tránh phải đưa vào trại mồ côi và sau cùng là trẻ cần được bảo vệ trước nguy cơ nghèo đói hoặc bạo lực. Đó là mối đe dọa tiềm tàng đối với những đứa bé cha mẹ bị chết do Covid-19.
Một trong những cách giải quyết nhận được nhiều ủng hộ là việc Thống đốc 9 bang vùng đông bắc Brazil đã nhóm họp trong tháng 8 vừa qua, quyết định họ hàng nghèo nhận nuôi trẻ mồ côi sẽ nhận 100 USD/tháng tới khi trẻ tròn 21 tuổi. Còn tại Peru, Chính phủ đã tuyên bố cấp 55 USD mỗi tháng cho người nhận nuôi một em bé mất cha mẹ trong đại dịch.
Trẻ em cũng cần vaccine
Do nguồn vaccine Covid-19 quá ít nên người ta phải chia ra thành thứ tự ưu tiên cho những người được tiêm. Trẻ em dưới 18 tuổi chiếm khoảng 22% dân số thế giới ngẫu nhiên bị gạt ra khỏi danh sách đó. Nhất là những đứa trẻ dưới 12 tuổi thì vaccine vẫn đang là giấc mơ.
Tuy nhiên, gần đây sau khi phần lớn dân số trưởng thành đã hoàn tất tiêm chủng, Liên minh châu Âu (EU) dần mở rộng chiến lược phủ vaccine sang trẻ em. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em trong độ tuổi 12-15 và vaccine Moderna cho đối tượng trong độ tuổi 12-17. Trong cả hai nghiên cứu với lần lượt hơn 2.000 và 3.000 thanh thiếu niên tham gia, không trường hợp nào xuất hiện các triệu chứng của Covid-19 sau khi tiêm vaccine.
EMA khẳng định tiêm chủng cho trẻ em sẽ thu lại lợi ích lớn hơn nhiều so với rủi ro.
Kể từ ngày 23/8, nước Anh đã cho phép trẻ vị thành niên 16-17 tuổi tiêm vaccine Covid-19. Trẻ từ 12-15 tuổi thuộc diện nguy cơ mắc Covid-19 cao hoặc sống với người lớn có nguy cơ bệnh nặng cũng được khuyến khích tiêm chủng. Trong khi đó nhóm cố vấn y tế hàng đầu của các thành viên Liên hiệp Anh (gồm Anh, Scotland, Bắc Ireland và Wales) cho rằng trẻ em 12-15 tuổi nên được tiêm mũi thứ nhất. Mũi thứ hai có thể trì hoãn đến đầu năm 2022 hoặc trễ hơn, chờ theo dõi kết quả tiêm chủng và cộng đồng khoa học thế giới thu thập thêm dữ liệu nghiên cứu.
Đáng chú ý, Italy đã cho phép người từ 12 đến 18 tuổi tiêm vaccine không cần đặt lịch. Pháp là một trong những nước châu Âu đầu tiên cho trẻ trên 12 tuổi tiêm chủng, bắt đầu từ ngày 15/6. Sau hai tháng, hơn 56% số người trong nhóm 12-17 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine, hơn 32% tiêm đủ liệu trình. Mỹ cũng đã cho phép tiêm chủng cho trẻ trên 12 tuổi và đang chờ nghiên cứu thêm ở độ tuổi từ 5 đến 11 với vaccine Pfizer.
Một câu hỏi được đặt ra là trẻ em thường không mắc bệnh nặng khi nhiễm SARS-CoV-2, tại sao các em cần phải tiêm vaccine? Câu trả lời từ y tế Mỹ là vaccine có thể giúp trẻ em hạn chế nhiễm và phát tán SARS-CoV-2. Ngay cả khi bị nhiễm virus, nguy cơ các em bị diễn tiến nặng cũng thấp hơn.
Theo Bộ Y tế Cuba, chiến dịch tiêm chủng đại trà Covid-19 được tổ chức theo mô hình như tiêm chủng hàng năm đối với các loại bệnh ở trẻ. “Với sự gia tăng ca nhiễm trong trẻ em, việc các gia đình tự bảo vệ mình là cần thiết, thế nên chúng tôi quyết tâm tiêm chủng để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên” - Tiến sĩ Francisco Duran Garcia, nhà dịch tễ học hàng đầu Cuba, nói.
Tuy rằng thế giới ít ghi nhận số ca mắc SARS-CoV-2 ở trẻ em so với người lớn nhưng theo nhà dịch tễ hàng đầu Brazil, bác sĩ Fatima Marinho thì tình hình đang thay đổi, khi các ca bệnh nặng đã lan sang trẻ em. Bà Fatima cho rằng do trẻ em ít dấu hiệu lâm sàng khi bị lây nhiễm nên việc chẩn đoán Covid-19 thường là rất muộn, dẫn tới việc điều trị khó khăn hơn. “Nhất là với trẻ em trong những gia đình nghèo thì điều đó thực sự đã trở nên nghiêm trọng” - bà Fatima nói. Còn theo Tiến sĩ Srikanta JT, bác sĩ nhi khoa làm việc tại thành phố Bangalore, thủ phủ của bang Karnataka (Ấn Độ) thì biến thể Delta không “chừa” một ai, kể cả trẻ em.