Cuộc chiến với dịch Covid-19: Hội họa không đứng ngoài cuộc

Phạm Sỹ 20/09/2021 06:30

Đề tài về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được nhiều họa sĩ phản ánh một cách chân thực. Đây cũng là hành động của giới mỹ thuật trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Xuất phát từ ý tưởng về công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều nhóm họa sĩ đã thực hiện ký họa trên nhiều tuyến phố của Hà Nội trong thời gian vừa qua. Những tác phẩm nghệ thuật đường phố đã có sức lan tỏa, góp phần nâng cao ý thức người dân, tạo sự đoàn kết một lòng trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch.

Các bức tranh xoay quanh chủ đề tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cổ vũ lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm căng mình với Covid-19. Những bức tranh được thể hiện một cách dễ hiểu như hình ảnh về các y bác sĩ đang mang trên mình đồ bảo hộ, thông điệp tuân thủ 5K, rửa tay thường xuyên…

Có thể thấy, hội họa đã bắt nhịp cùng với hơi thở hiện thực, từ đó chính họa sĩ đã tạo ra những ý tưởng tạo hình sinh động, tác động trực tiếp tới nhận thức người xem. Bên cạnh đó, việc lựa chọn thực hiện ý tưởng bích họa trên những trụ điện ven đường hay trên những bức tường trên nhiều tuyến phố đã mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền bởi những màu sắc bắt mắt. Tất cả đã góp phần động viên người dân Hà Nội vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, họa sĩ Nguyễn Minh Hồng cho rằng, về cảnh quan thì những bức tranh bích họa được vẽ trong thời gian qua trên nhiều tuyến phố đã phần nào tạo cho không gian công cộng được sạch, đẹp hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, những bích họa gần đây đa phần là những bức tranh được các họa sĩ thực hiện trên tình thần tuyên truyền, kêu gọi mọi người chung tay, đồng sức đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Vì thế, đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Hội họa đã âm thầm, len lỏi vào cuộc sống góp phần thay đổi nhận thức của mỗi con người chúng ta. Đặc biệt ở thời điểm như hiện nay.

Họa sĩ Nguyễn Thị May, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Trong thời khắc rất khó khăn của không những Việt Nam mà cả thế giới. Thì văn nghệ sĩ chúng tôi trong những ngày này càng phải hoạt động. Hoạt động ở đây không phải vì kinh tế mà đó là tinh thần muốn gửi đến cho xã hội, những người xem niềm tin vào cuộc sống luôn phát triển không ngừng. Dù có nhiều khó khăn trong thời điểm dịch bệnh như này thì chúng tôi càng khẳng định giá trị nghệ thuật với cuộc sống”.

Mới đây, họa sĩ Trần Lâm Bình đã tổ chức triển lãm cá nhân có tên “Bóng mài”. Với 25 bức sơn mài khổ lớn bất thường với nhiều chủ đề, từ những chân dung đầy thân phận qua bút pháp hiện thực, cho tới chân dung tự họa qua lối vẽ trừu tượng… Các tác phẩm thể hiện thế giới trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19, về cảm xúc của tác giả đối với con người, bạn bè… theo từng chủ đề riêng biệt.

Chia sẻ về những bức tranh này, hoạ sĩ Trần Lâm Bình tâm sự: “Các tác phẩm của tôi phản ánh một phần trên hành trình nghệ thuật của riêng mình, từ quá khứ đến hiện tại, những gì mà tôi nhìn thấy, biết, hiểu, cảm nhận cuộc sống xã hội và thế giới xung quanh… Tôi hiểu cuộc sống này không ai hoàn hảo cả. Tôi muốn khắc họa chính tôi, chính những con người và những mảnh đời khác nhau bao trùm trong tác phẩm như những mảnh ghép. Tôi vẽ bằng tâm hồn mình, tạo hình ngẫu hứng. Những đường nét và mảng miếng, bố cục, màu sắc, ẩn trong đó là một thế giới trầm tư…”. Với cách thể hiện tác phẩm một cách siêu thực, những bức tranh của họa sĩ Trần Lâm Bình đã bắt kịp tính thời sự của đại dịch Covid-19.

Trong bức tranh “Thiếu nữ và khẩu trang”, họa sĩ vẽ những chiếc khẩu trang trên gương mặt những cô gái xinh đẹp nhiều ưu tư ẩn hiện, và có cả những cô gái không đeo khẩu trang. Bức tranh như tái hiện lại về cuộc sống xung quanh của tác giả khi dịch Covid-19 bùng phát, đồng thời kêu gọi mọi người hãy đeo khẩu trang và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết…

Có thể thấy, những tác phẩm ra đời trong mùa dịch Covid-19, tuy có thời điểm khác nhau nhưng vẫn chảy mãi trong đời sống nghệ thuật. Sự kiện dịch bệnh đã thể hiện được quá trình biến đổi của đời sống xã hội và ý thức sáng tạo của người nghệ sĩ.

Cũng bằng thế mạnh hội họa của mình, nhiều họa sĩ đã tham gia đấu giá tranh trên mạng để ủng hộ bệnh viện dã chiến mua khẩu trang, bộ xét nghiệm nhanh... Bằng nhiều hình thức đấu giá khác nhau, các cuộc đấu giá đã thu lại những kết quả tích cực, góp phần chung tay phòng chống dịch.

Phạm Sỹ