Lấy ý kiến dự thảo quy định về đào tạo nghệ thuật chuyên sâu
Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL vừa đăng tải dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật để lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, tổ chức, chuyên gia, nhân dân từ nay đến ngày 17/11/2021.
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 15 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; trình độ đào tạo và hoạt động đào tạo; chính sách đối với giảng viên, nhà giáo và người học... Cụ thể, theo dự thảo tờ trình gửi Chính phủ cho biết, đào tạo nghệ thuật có tính đặc thù ngay từ công tác tuyển sinh đến quy trình đào tạo. Trong đó, với học sinh theo học các ngành nghệ thuật đều phải có năng khiếu được tuyển chọn từ khi còn nhỏ, đào tạo liên tục trong nhiều năm và quá trình học tập có sự sàng lọc khắt khe. Vì vậy, thời gian đào tạo trung cấp thường từ 3 - 9 năm, tùy vào tính đặc thù của ngành/nghề đào tạo.
Bên cạnh đó, tờ trình cũng bày tỏ, về chính sách đối với giảng viên, nhà giáo trong những năm qua chính sách đối với giảng viên, nhà giáo đào tạo các ngành nghệ thuật đặc thù đã được quan tâm, thể hiện thông qua một số văn bản quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp nghề và các chức danh, danh hiệu... Thế nhưng, vẫn còn hạn chế, chưa bao quát, phù hợp với thực tế. Vì vậy, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước và khuyến khích đội ngũ giảng viên, nhà giáo cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật thì chính sách đối với giảng viên, nhà giáo cần được bổ sung, quy định trong dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.
Đồng thời, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về tuyển dụng viên chức cho người có tài năng, năng khiếu trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, vì vậy, việc quy định chính sách giải quyết việc làm đối với người học trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật sau khi đã tốt nghiệp, có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp nhận vào làm viên chức theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ là rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn, các văn bản pháp luật liên quan…