Sáng tạo từ đam mê

Tiến Đạt 21/09/2021 07:28

Nằm trong danh sách 76 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ của Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021, mô hình “Hệ thống thiết bị cắt - băm, sấy cỏ, ngô kết hợp năng lượng mặt trời và đóng bao ủ chua làm thức ăn cho gia súc” của các bạn học sinh tại Hà Nội nổi bật với tính sáng tạo và khả năng ứng dụng hiệu quả trong tương lai.

Công trình được thực hiện bởi 5 học sinh: Lê Thị Thanh Huyền, Nguyễn Quỳnh Hương Ly (Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội), Lê Minh Hiếu (Trường Tiểu học và THCS Pascal, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Trịnh Hà Phương (Trường THCS Thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) và Nguyễn Hương Minh Trang (Trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) đã đạt Giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 năm 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Là thành viên lớn tuổi nhất của nhóm tác giả, Nguyễn Quỳnh Hương Ly (18 tuổi) cho biết, thông qua mạng xã hội, các diễn đàn khoa học, các thành viên trong nhóm đã tìm đến nhau với chung một niềm đam mê là nghiên cứu khoa học, cùng nhau vẽ lên nhiều ý tưởng sáng tạo và hiện thực hóa chúng để giúp ích cho đất nước.

Ngoài những tiết học trên lớp, Ly đã sớm được tiếp cận với những kiến thức thực tế như công việc đồng áng, chăn nuôi của họ hàng, người thân trong gia đình sau mỗi chuyến về thăm quê. Cũng nhờ đó, Ly càng cảm nhận và hiểu rõ hơn về sự vất vả, khó khăn của những người nông dân, hàng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân. Từ trải nghiệm thú vị này, Hương Ly cùng các bạn trong nhóm càng say mê nghiên cứu hơn từ khâu lên ý tưởng cho đến khi hoàn thiện công trình. Đây cũng là môi trường lý tưởng để các em học sinh cấp 2, cấp 3 trong nhóm được áp dụng những kiến thức, lý thuyết trên giảng đường vào thực tế cuộc sống.

Nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của thầy cô giáo, sau khi hoàn thiện, mô hình “Hệ thống thiết bị cắt - băm, sấy cỏ, ngô kết hợp năng lượng mặt trời và đóng bao ủ chua làm thức ăn cho gia súc” được các em xây dựng đã hoàn thành được những mục tiêu đề ra gồm: Chế tạo được 1 mô hình mẫu làm việc trực quan, mô tả quá trình làm việc của hệ thống thiết bị khép kín, chế biến thức ăn ủ chua cho gia súc phù hợp yêu cầu công nghệ bao gồm từ khâu cắt – băm (3-6 mm), sấy cỏ/ngô kết hợp năng lượng mặt trời (đạt độ ẩm 65-70%) và phun men vi sinh, đóng bao ủ chua.

Điểm mới trong công trình nghiên cứu của các em là việc sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời bởi bức xạ và hiệu ứng lồng kính để sấy, giảm thành phần ẩm trong nguyên liệu để ủ chua, không phải phơi ngoài trời rất tiện ích, sạch sẽ, từ đó sẽ tiết kiệm diện tích mặt bằng và tiết kiệm năng lượng. Các em cũng thiết kế hệ thống làm việc theo băng chuyền, khép kín, tránh bụi để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường.

Tại các cuộc thi, mô hình đã được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao về tính sáng tạo và ứng dụng cao thông qua việc các em học sinh đã tiến hành ghép 3 công đoạn của quy trình công nghệ ủ chua thức ăn cho gia súc: cắt - băm; phơi sấy; phun men vi sinh, ép nén và đóng bao ủ chua trên cùng một hệ thống, đảm bảo sản xuất khép kín theo hướng sản xuất công nghiệp. Từ những đặc tính ưu việt trên, nhóm tác giả tin tưởng mô hình sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao khi nguyên vật liệu để chế tạo hệ thống thiết bị này có sẵn trên thị trường, dễ mua, dễ thiết kế chế tạo và lắp ráp.

Sách vàng Sáng tạo Việt Nam do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, một số tổ chức thành viên Mặt trận tổ chức tuyển chọn, công bố từ năm 2016. Năm 2021, 76 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ và 6 công trình sáng tạo khoa học xuất sắc tiêu biểu thuộc lĩnh vực xã hội và nhân văn được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam.

Tiến Đạt