Không phải cứ có F0 là đóng cửa toàn bộ nhà máy

Việt thắng 21/09/2021 07:02

Lưu ý trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đưa ra khi chủ trì hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp”, diễn ra ngày 20/9.

Phải đảm bảo “5 xanh”

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Đến nay có 291 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71%. Trong 8 tháng đầu năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được khoảng 428 dự án đầu tư mới và 517 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD.

Theo bà Ngọc, Bộ đã phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát 500 tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để làm rõ các khó khăn, vướng mắc. Qua kết quả khảo sát, cho thấy, gần 50% doanh nghiệp bị tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, số còn lại cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Công ty Nidec Việt Nam là doanh nghiệp có hơn 6.300 lao động tại khu công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh. Tại hội nghị đại diện Công ty kiến nghị, sau khi hoạt động trở lại, bất kỳ trường hợp F0 nào được phát hiện tại dây chuyền sản xuất thì chỉ cần cách ly hoặc đóng cửa phần sản xuất liên quan, không phải đóng toàn bộ doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, đại diện Công ty Nike Việt Nam cũng cho biết, đơn vị có kim ngạch xuất khẩu hơn 7 tỷ USD. Công ty cũng mong muốn không đóng cửa toàn bộ nhà máy khi phát hiện 1 ca F0 mà chỉ cần nhanh chóng tách F0 và cách ly người tiếp xúc F0 trong nhà máy. Nhân viên đã tiêm đủ liều vaccine và có xét nghiệm âm tính vẫn được đi làm hàng ngày.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, nếu một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà đến lúc trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng ngàn công nhân. “F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động”-Phó Thủ tướng cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong điều kiện bình thường, Bộ đang dự kiến là phải đảm bảo “5 xanh”, thứ nhất là nhà máy xanh, thứ hai là công nhân,thứ ba là di chuyển, thứ tư là nơi ở công nhân và thứ năm là y tế tại chỗ của doanh nghiệp.

Các địa phương không được ban hành “giấy phép con”

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thông tin, từ nay sẽ duy trì họp hàng tháng với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhất là các địa phương, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, kết hợp với việc chủ động tìm hiểu, nắm bắt và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để Chính phủ, các cơ quan Trung ương đồng hành cùng doanh nghiệp cho đến khi phục hồi xong sản xuất kinh doanh.

Cho rằng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, phục hồi sản xuất kinh doanh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ổn định đời sống nhân dân là yêu cầu cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh vừa phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng cho công nhân lao động cũng là vấn đề khó.

Phản ánh của doanh nghiệp cũng cho thấy yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu theo quy định cho người lao động rất khó áp dụng, chi phí thực hiện (hoán cải công năng của các khu vực khác nhau thành chỗ ở tạm) rất cao. Môi trường cách ly tại chỗ nhiều nơi không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Những bất cập của sản xuất “3 tại chỗ” có nhiều ưu điểm tuy nhiên cũng bộc lộ không ít bất cập, khó khăn. Những khó khăn ấy từng được các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phản ánh rất nhiều sau một thời gian áp dụng

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp về vấn đề tiêm vaccine, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần có kế hoạch cụ thể phân bổ vaccine về các địa phương có các khu, cụm công nghiệp, hướng dẫn các giải pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động. Các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế phối hợp để làm sao ưu tiên vaccine cho người lao động sản xuất công nghiệp.

Về giao thông vận tải, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc luôn đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông huyết mạch, trong trường hợp phải phong tỏa thì tìm tuyến thay thế để hàng hóa lưu thông. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Y tế, địa phương có hướng dẫn để công nhân có thể đi lại từ tỉnh này sang tỉnh kia. Đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng văn bản cấp trên tạo điều kiện thông suốt nhưng ở cấp dưới lại gây ách tắc. Ngành giao thông và các địa phương không được ban hành các “giấy phép con” gây cản trở lưu thông.

Việt thắng