Một mùa trăng đặc biệt
Trung thu năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã trở thành rào cản, ngăn cách sự đoàn tụ của nhiều gia đình. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, đội ngũ y, bác sĩ và các tình nguyện viên không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn dành tặng những người bệnh một Trung thu ý nghĩa.
Ngày Trung thu ý nghĩa
Sáng sớm 20/9 (ngày 14 tháng 8 âm lịch), tại khu hành chính Trung tâm Hồi sức Covid-19 Trung ương ở Long An, trực thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, tổ hậu cần Trung tâm tất bật hoàn thiện những chiếc đèn lồng sắc màu, chuẩn bị những gói quà Trung thu ý nghĩa để dành tặng cho những người bệnh.
Chị Nguyễn Việt Hương - một trong những thành viên tổ hậu cần chia sẻ: Hàng năm ở nhà, tôi thường làm đèn ông sao cho các con đón Tết Trung thu. Năm nay, do thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19 tại Long An, rất nhớ nhà, nhớ con nên chúng tôi có ý tưởng làm những chiếc đèn lồng, tổ chức một chương trình Trung thu đặc biệt ngay tại Trung tâm dành cho những người bệnh với mong muốn giúp họ thêm lạc quan để chiến thắng bệnh dịch. Và rất vui khi ý tưởng đó đã được sự đồng ý, tạo điều kiện của Ban lãnh đạo Trung tâm.
Đại đức Thích Thanh Thịnh - Tình nguyện viên giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định tại Trung tâm bày tỏ: Tự tay làm những chiếc đèn lồng Trung thu, chúng tôi có được niềm vui cho chính mình, khi nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu. Rồi cảm thấy rất hạnh phúc khi hình dung nụ cười của những người bệnh khi nhận món quà nhỏ bé này, giúp họ cảm nhận được sự ấm áp của ngày Tết đoàn viên…
Trung tâm Hồi sức Covid-19 Trung ương ở Long An hiện đang điều trị cho gần 70 người bệnh mắc Covid-19, trong đó có cả những bệnh nhi còn rất nhỏ. Mùa trăng rằm năm nay sẽ đặc biệt hơn với các em khi phải theo mẹ đi điều trị bệnh. Không bày cỗ, không rước đèn cũng chẳng giao lưu văn nghệ, nhưng chắc chắn với tình cảm, sự yêu thương của đội ngũ y, bác sĩ và các tình nguyện viên tại đây sẽ giúp các em có ngày Tết Trung thu thật ý nghĩa.
Bệnh nhi N.H.M.H. 10 tuổi bày tỏ: Mọi năm vào dịp Trung thu, em thường rước đèn, phá cỗ cùng các bạn trong lớp. Năm nay phải điều trị Covid-19 tại Trung tâm nhưng ngày Trung thu vẫn rất vui. Rất nhiều đèn lồng đã được treo, bản thân em còn được các y, bác sĩ, các sư thầy tặng bánh nướng, bánh dẻo và đèn lồng.
Còn đối với bà N.T.H., 79 tuổi, đây có lẽ là ngày Tết đoàn viên đặc biệt nhất trong cuộc đời của bà. Hôm nay khi Tết Trung thu đã đến, bà cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương của tình thân từ đội ngũ y, bác sĩ, những tình nguyện viên áo nâu trong ngôi nhà đặc biệt này.
Động lực để vượt qua bệnh tật
Còn đối với các y bác sĩ tại khu cách ly tập trung Trường THPT Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP HCM), họ đã âm thầm chuẩn bị các phần quà cho các bệnh nhân nhỏ tuổi từ nhiều ngày trước khi Trung thu tới.
22h một ngày cận kề Tết Trung thu, bên trong khu nhà hành chính Trường THPT Phước Kiển, gần 20 cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Y Dược Thái Bình đang tỉ mẩn tạo ra từng chiếc đèn Trung thu. Người gấp thếp, người cắt giấy, người nối dây vào đèn… xen giữa những tiếng cười trong trẻo. Từng chiếc đèn Trung thu đã được “ra đời” bởi những đôi bàn tay khéo léo ấy.
Vừa gấp tạo hình từng chiếc đèn lồng, tình nguyện viên Lại Yến Nhi - lớp Đa khoa, Trường ĐH Y Dược Thái Bình chia sẻ: Em cùng các bạn trong Đại học Y Thái Bình vào TP HCM đã hơn một tháng nay. Chứng kiến những ánh mắt thơ ngây chưa thể nhận thức hết được sự khốc liệt của đại dịch, các thành viên trong tổ tình nguyện tại trường đã “vận dụng” các đầu mối hỗ trợ nguyên vật liệu để làm đèn lồng, để có những phần quà ý nghĩa gửi đến các em nhỏ vào đúng ngày Trung thu.
Yến Nhi cũng mong muốn, những chiếc đèn Trung thu sẽ là “món quà vô giá” để gần 100 em nhỏ nơi đây cảm nhận được tình yêu thương của đội ngũ y, bác sĩ tại khu cách ly và mong các em có một mùa Trung thu ấm áp nơi tâm dịch.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Phạm Thị Dung, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (ĐH Y Dược Thái Bình), Trưởng Đoàn công tác số 2 của Trường ĐH Y Dược Thái Bình cho biết, khu cách ly tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 1 tại Trường THPT Phước Kiển (Nhà Bè) có gần 400 bệnh nhân F0. Trong đó có khoảng 100 F0 là trẻ em từ 45 ngày tuổi đến 14 tuổi. Đây là một trong 5 khu cách ly do Trường ĐH Y Dược Thái Bình phụ trách có số lượng trẻ em đông nhất.
Bà Dung cho biết: Trong bối cảnh Trung thu đang cận kề, các tình nguyện viên là sinh viên của trường đã rất sáng tạo, các bạn đã nhờ các tình nguyện viên của huyện đoàn hỗ trợ mua giấy, hồ keo để tự tay làm đèn lồng. Các bạn đã chuẩn bị Trung thu cho các cháu phù hợp với điều kiện trong khu cách ly. Kế hoạch Trung thu thì các bạn sẽ bí mật đến phút cuối cùng để tạo ra bất ngờ. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng này, bởi không chỉ tạo động lực tinh thần cho các em nhỏ, mà còn cho cả bố mẹ, ông bà, người thân của các bé là động lực để họ vượt qua được bệnh tật.
Theo bà Dung, hầu hết, các trẻ nhỏ có mặt tại khu cách ly điều trị người bệnh Covid-19 tầng 1 này đều đi cùng gia đình, người thân. Có rất nhiều gia đình có ông bà, bố mẹ đều mắc Covid-19 và đều “xin” được ở lại cùng nhau để hỗ trợ y, bác sĩ chăm sóc người thân.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 phía trước còn rất gian nan của đội ngũ y tế và cả những người bệnh. Nhưng trên hết tất cả mọi người luôn sát cánh cùng nhau vượt qua dịch bệnh để những mùa Trung thu sau sẽ ấm cúng và trọn vẹn hơn.