Nguy cơ khan hiếm lương thực dịp cuối năm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tác động của dịch Covid-19 đang đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo nguồn cung ứng cuối năm và đáp ứng nhu cầu đơn hàng. Nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu đã manh nha, các nhà máy chế biến thiếu lao động, chi phí phát sinh, trong khi công suất chế biến chỉ đạt 30-40%.
Khan hiếm nguồn nguyên liệu
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, bất chấp dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 8 tháng năm 2021 vẫn đạt 2,5 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Dù đạt mức tăng trưởng khá trong 8 tháng năm 2021, song theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu nông sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dự báo từ nay đến cuối năm, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, vận chuyển, hàng hóa và tác động trực tiếp đến khu vực sản xuất cũng như chế biến nông sản xuất khẩu. Thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp (DN) phải tăng chi phí để thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”. Bên cạnh đó là tình trạng khan hiếm container, cước vận chuyển hàng xuất khẩu không ngừng tăng lên.
Đề cập đến những khó khăn của ngành nông nghiệp hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tác động của dịch Covid-19 đang đặt ra nhiều thách thức để đảm bảo nguồn cung ứng cuối năm và đáp ứng nhu cầu đơn hàng. Chưa dừng lại ở đó, nguy cơ thiếu hụt lương thực dịp Tết Nguyên đán cũng đang hiện hữu.
Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách khu vực Nam bộ do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, nhiều DN phản ánh, họ rơi vào thế bị động khi dịch kéo dài. Nhiều DN thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu để xuất khẩu. Bên cạnh đó, dịch Covid -19 đã ảnh hưởng tâm lý nông dân, dẫn đến việc ngại tái sản xuất sau dịch, điều này đẩy ngành nông sản đến thực trạng khan hiếm nguồn cung.
Khó khăn kéo dài do đó, quá trình phục hồi sản xuất của DN cũng không hề dễ dàng. Nhiều DN bị ảnh hưởng rất lớn bởi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng; đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất hoặc đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid-19…
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để tránh đứt gãy nguồn cung, đảm bảo hàng nông sản được lưu thông, cần thay thế cơ chế “luồng xanh” bằng cơ chế cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe bằng cách nhận diện kiểm soát dịch Covid-19 tự động.
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng
Trước nguy cơ thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm dịp cuối năm, giới chuyên gia nhận định, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với người dân, DN xây dựng kế hoạch phục hồi, tái sản xuất thông qua việc rà soát lại tình hình thực tế. Những địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể tăng cường sản xuất để bù cho các địa phương “vùng đỏ”, đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong thời gian tới. Ngoài thị trường trong nước, cần có giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP), việc phục hồi sản xuất của DN đang khá khó khăn, vì vậy “Bộ NN&PTNT cần có giải pháp hỗ trợ DN xây dựng phương án, cùng DN làm việc với địa phương khi trình phương án tổ chức sản xuất trong thời gian mở giãn cách từng phần, nhằm khôi phục sản xuất để địa phương phê duyệt nhanh nhất, vì thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều” – ông Nam đề xuất.
Nêu quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nông sản mà chậm vận chuyển sẽ ảnh hưởng ngay đến chất lượng. Hiện nay, tại các tỉnh phía Nam, nguồn nông sản khá dồi dào, đảm bảo cung ứng cho tiêu dùng. Tuy nhiên, chính việc lưu thông nông sản khó khăn đã dẫn đến nghịch lý nơi có nhiều sản phẩm thì không bán được, giá bán hạ, nơi lại đang rất cần lương thực.
Do vậy, theo ông Long, dù dịch bệnh thì cơ quan quản lý phải giải quyết được bài toán thông suốt hàng nông sản, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong từng khu vực mà còn phải kết nối với các chuỗi cung ứng khu vực khác và phục vụ xuất khẩu. Các cơ quan quản lý phải thống nhất để đưa ra giải pháp lưu thông và phân phối nông sản kịp thời.
Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, thời gian qua, tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19, hiện tượng thiếu – thừa hàng hóa cục bộ đã bộc lộ rõ. Muốn tháo gỡ vướng mắc trong quá trình kết nối cung ứng nông sản giữa các tỉnh, thành phố, ngành nông nghiệp cần tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành phương án khắc phục, xây dựng các vùng an toàn, chỉ đạo sản xuất và cung ứng ổn định nguồn nông sản. Đồng thời, các tỉnh cần chủ động tạo ra “vùng xanh” cho tiêu thụ nông sản của chính địa phương mình.
“Để phục hồi sản xuất, ngoài việc tháo gỡ khó khăn trong việc cấp phép đi đường cho các phương tiện, cán bộ nhân viên, lao động tại các nhà máy, nhân viên làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa... cơ quan chức năng cần điều chỉnh các quy định về thủ tục giao nhận, xuất nhập khẩu phù hợp với tình hình mới” - ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề xuất.
Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội: Tận dụng thế mạnh của thương mại điện tử
Nông sản là loại hàng hóa có đặc trưng thời vụ, thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn. Do đó, việc ứng dụng công nghệ số để vận chuyển, phân phối nông sản lên sàn thương mại điện tử sẽ giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, đảm bảo chất lượng tươi, ngon, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân. Đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp bà con nông dân, hộ sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã… quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước và vươn ra xuất khẩu.
Tuy nhiên, để phát huy những thế mạnh của sàn thương mại điện tử, người sản xuất, hợp tác xã, DN cung cấp sản phẩm nông sản cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, phải có biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn cho người vận chuyển và chất lượng nông sản.